Bỏ lỡ nhiều cơ hội!
Theo Vinexad, đơn vị tổ chức thường niên Vietnam Expo, dù đã cố gắng hết sức, nhưng Trung tâm triển lãm Quốc tế (ICE) – 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng chỉ có thể đáp ứng được khoảng 550 doanh nghiệp trong số 650 doanh nghiệp đăng ký tham gia năm nay. Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Expo “lỗi hẹn” với nhiều doanh nghiệp muốn tham gia quảng bá sản phẩm, mà đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng lực bất tòng tâm vì không gian tổ chức tại Hà Nội và TPHCM có giới hạn, trong khi lượng doanh nghiệp trong nước và quốc tế muốn tham gia thì mỗi năm càng tăng cao.
Là nhà tổ chức triển lãm chuyên nghiệp với tần suất khoảng 20 triển lãm mỗi năm, ông Trịnh Xuân Tuấn, Phó tổng giám đốc Vinexad tỏ vẻ tiếc nuối trong việc chậm đầu tư những trung tâm triển lãm quy mô lớn trong bối cảnh Việt Nam đang được xem là điểm đến mới mẻ của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. “Ngành công nghiệp triển lãm không đơn thuần là hoạt động quảng bá sản phẩm hay cầu nối xúc tiến thương mại, mà song hành thúc đẩy thu hút đầu tư, du lịch và các nhóm dịch vụ khác được kết nối với nhau chặt chẽ giúp mở rộng các giá trị”, ông Tuấn nói, và cho rằng: nơi đăng cai triển lãm sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương và đất nước với thế giới.
Đáng chú ý là hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan triển lãm, mua sản phẩm và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh kéo theo lợi ích cho các ngành giao thông, lưu trú, dịch vụ và du lịch. Họ cũng sẽ là những “sứ giả” giới thiệu địa phương, đất nước - nơi diễn ra sự kiện với đất nước họ và với thế giới. Những doanh nghiệp tham gia triển lãm một khi đã nhìn thấy thị trường có tiềm năng thì họ sẽ xem xét đến việc đầu tư.
Theo các chuyên gia, ở những nước như Singapore, Thái Lan hay Malaysia,... ngành công nghiệp triển lãm đã giúp các nước này hái ra tiền. Các đơn vị tham gia triển lãm và khách tham quan chi hàng tỉ đô la Mỹ cho các hội chợ, triển lãm hàng năm ở các nước này và hiệu quả kinh tế mang lại cho họ cao gấp bội. Do đó, chậm đầu tư, phát triển các trung tâm triển lãm lớn, Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội triển lãm toàn cầu (UFI), ông Andreas Gruchow, ngành công nghiệp triển lãm được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến việc bỏ tiền vào các triển lãm và công ty triển lãm.
Cần tính chuyên nghiệp cao
Ngành triển lãm có sự tham gia và liên kết của nhiều tầng lớp, từ cấp nhà nước, chính phủ đến các hiệp hội, cơ quan xúc tiến và cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam chưa có thống kê chính xác nhưng ước tính có khoảng gần 100 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức ở các thành phố lớn. Giá trị xã hội mà ngành triển lãm đem lại không nhỏ, có thể thấy được điều này qua tần suất tổ chức, liên tục ra đời các triển lãm chuyên ngành khác nhau, số lượng khách tới tham quan cùng với giá trị kinh tế đem lại cho mỗi doanh nghiệp khi tham gia cũng có thể hình dung được sức hấp dẫn của ngành này.
Tuy nhiên, không phải triển lãm – hội chợ nào cũng đạt được hiệu quả như mong đợi, nhưng trong số đó có những sự kiện thật sự thu hút, “đáng đồng tiền bát gạo” và mang lại nhiều giá trị kinh tế cho nhiều bên tham gia vào hệ thống này, từ doanh nghiệp, hệ thống mạng lưới phân phối, thi công dàn dựng, vận chuyển, du lịch đến dịch vụ.
Với kinh nghiệm từ nhà tổ chức chuyên nghiệp, ôngTuấn cho rằng: “Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đòi hỏi ban tổ chức phải thật sự chuyên nghiệp trong việc tạo ra các kết nối đạt hiệu suất cao. Bởi vậy, xây dựng các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan tới từ nhiều thị trường và tỉnh, thành phố là một trong những mục tiêu hàng đầu được chúng tôi đặc biệt chú trọng.”
Các hoạt động đi kèm như diễn đàn, hội thảo, tọa đàm được thiết kế riêng cho mỗi kỳ hội chợ để tạo sức hút và gia tăng các giá trị kết nối. Có một điểm chung là ở các triển lãm có được lợi thế về uy tín và lượng khách tCascgia, các hoạt động trong khuôn khổ được xây dựng theo chí hướng vì lợi ích doanh nghiệp mà một nhà tổ chức có tầm nhìn sẽ không thể bỏ qua.
Đáng chú ý trong sự kiện Vietnam Expo lần thứ 29 này, Chương trình tập huấn doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trực tuyến trên Amazon cùng hội thảo; “Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam: Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” là những hoạt động mang đúng tiêu chí và tầm nhìn của Bộ Công thương trong thu hút đầu tư và xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện Ngân hàng Việt Nga (VRB) chia sẻ: “Chúng tôi chọn Vietnam Expo để giới thiệu gói dịch vụ tài chính mới vì đây là hội chợ này thu hút nhiều khách tham quan quốc tế, và mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và làm việc tại Việt Nam”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lý, đại diện Viglacera nhận thấy hiệu quả sau mỗi lần tham gia hội chợ rất rõ. “Viglacera có thêm một lượng khách hàng lớn, đặc biệt là khách quốc tế quan tâm đến sản phẩm mới có yếu tố thân thiện môi trường. Thông qua Vietnam Expo, chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các đối tác nhằm nâng cao vị thế thương hiệu Viglacera, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm mới đến các thị trường trong và ngoài khu vực”.
Trong khi đó, cơ quan xúc tiến thương mại & đầu tư Hàn Quốc (Kotra) đã duy trì có mặt tại Vietnam Expo hơn 20 năm, với những nỗ lực trong việc xây dựng hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, mục tiêu mở rộng thị trường cũng như gắn bó hợp tác dài lâu. Ước chừng có khoảng 200 lượt gặp gỡ (business matching) được thu xếp trước với những khách hàng mục tiêu ở nhiều nhóm sản phẩm là nòng cốt và thế mạnh của Hàn Quốc như điện tử và công nghệ thẩm mỹ, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.
PV