Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Không làm sai trong phân bổ vốn Ngân sách năm 2015"

31/05/2017 14:55:00

Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về Quyết toán Ngân sách năm 2015, nhiều tồn tại, hạn chế trong kế hoạch vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được đưa ra. KTNN đã yêu cầu Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan vụ việc: tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở.

Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về Quyết toán Ngân sách năm 2015, nhiều tồn tại, hạn chế trong kế hoạch vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được đưa ra. KTNN đã yêu cầu Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan vụ việc: tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phản hồi về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước xung quanh việc Bộ KH&ĐT bị cho phân bổ vốn thiếu cơ sở, chậm trễ năm 2015

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phản hồi về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước xung quanh việc Bộ KH&ĐT bị cho phân bổ vốn thiếu cơ sở, chậm trễ năm 2015

Kiểm toán nói: Bộ KH&ĐT bố trí vốn không có cơ sở, chậm trễ

Cụ thể, trước đó, trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, KTNN cho rằng: Dự toán chi đầu tư phát triển Quốc hội quyết định năm 2015 là 225.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy còn một số hạn chế, trong đó phần trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là: "Công tác phân bổ và giao KHV đầu tư nguồn NSNN tại Bộ KH&ĐT còn chậm và giao nhiều lần (11 lần), trong đó có 10 lần giao sau ngày 31/12/2014, không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước".

Bộ KH&ĐT bố trí kế hoạch vốn cho dự án khởi công mới còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi còn 14 dự án hoàn thành, bàn giao trước 31/12/2014 và 39 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn.

"Bố trí cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện; bố trí vốn cho một số dự án thông tin chưa đầy đủ và còn sai lệch", báo cáo của KTNN cho biết.

"Bố trí kế hoạch vốn hơn 575 tỷ đồng (18 dự án) không có cơ sở, vượt tỷ lệ hỗ trợ NSTW 20 tỷ đồng (01 dự án); không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các Chương trình 332,47 tỷ đồng (12 dự án); bố trí vốn đối ứng ODA vượt tỷ lệ quy định 2,75 tỷ đồng (02 dự án).

KTNN yêu cầu cơ quan Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, khắc phục các tồn tại, hạn chế về giao kế hoạch vốn chậm và giao nhiều lần không đúng quy định; giao kế hoạch vốn cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện...

Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định: Năm 2015 là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công, có nhiều quy định mới, các dự án có nhiều thủ tục, địa phương, các Bộ có nhiều lúng túng. Những phương án các bộ, địa phương đưa lên có nhiều sai sót.

"Cho nên, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phải rà đi rà lại nhiều lần trên tinh thần nghiêm túc thực hiện Luật Đầu tư công. Chúng tôi làm từng đợt, cái nào đúng thì cho đi, chưa đúng thì sửa lại, cho nên bị chậm về giao vốn", ông Thu nói.

Về bố trí kế hoạch vốn Bộ KH&ĐT được KTNN cho rằng không có cơ sở, ông Thu khẳng định: Đây là các dự án do UBND các tỉnh, thành phố đề nghị bằng văn bản, không phải do Bộ KH&ĐT tự ý đề xuất, không phải là nơi chia tiền. Trong văn bản đề nghị, các địa phương đều khẳng định các dự án này là rất quan trọng, cấp bách, có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các địa phương không có khả năng cân đối được vốn đầu tư nên theo nguyên tắc họ đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét.

Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội làm trọng tài phân xử

Sau khi Chính phủ chấp thuận, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính rà soát một lần nữa phương án, bố trí như thế đã đúng nguyên tắc của Chính phủ chưa, nếu đúng thì cho đi, không đúng thì dừng lại. Về ý kiến của KTNN cho rằng Bộ KH&ĐT không bố trí đủ vốn cho dự án đã hoàn thành và chưa hoàn thành, ông Thu nói: Bộ KH&ĐT đã giải thích với KTNN nhưng không hiểu sao KTNN không hiểu?

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: Sở dĩ các bộ, địa phương chưa bố trí đủ mức vốn cho các dự án theo tổng mức đầu tư được duyệt trong kế hoạch 2015 là do trong quá trình thực hiện, các dự án này đã tiết kiệm thông qua công tác đấu thầu, qua điều chỉnh biện pháp thi công… Bộ KH&ĐT cho rằng, đề xuất của các địa phương là hợp lý trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn.

Các biện pháp giảm vốn chủ yếu thông qua đấu thầu, điều chỉnh phương án thi công. Vốn giảm so với dự toán là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, giải ngân của Ngân sách Nhà nước hiện theo kế hoạch, chứ không theo tiến độ như quy định trước đó. Chính vì thế, các địa phương bố trí nguồn vốn khác thay thế là đáng hoan nghênh.

“Bộ KH&ĐT cho rằng, đề xuất của địa phương hợp lý, trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên đồng ý. Điều này ai cũng hiểu, không hiểu sao KTNN không hiểu”, ông Thu giải trình.

Về bố trí hơn 575 tỷ đồng cho 18 dự án không có cơ sở, Bộ KH-ĐT cho biết, đã có văn bản giải trình với Kiểm toán Nhà nước nhưng quan điểm, kết luận khác nhau. “Chúng tôi khẳng định không sai phạm và đã giải trình với Kiểm toán Nhà nước 2 lần. KTNN có quan điểm riêng nên họ giữ quan điểm, chúng tôi cũng chịu thua. Chúng tôi báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để làm trọng tài phân giải”, Thứ trưởng Thu cho biết.

Ông Đào Quang Thu cũng cho biết sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội, làm việc lại với KTNN về những ý kiến phản hồi này của Bộ KH&ĐT tại sao không được đưa vào báo cáo kiểm toán.

Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)