Đến thời điểm này, đã qua 1 tháng Thông tư 20 hết hiệu lực, Bộ Công Thương, đơn vị ban hành vẫn chưa đưa ra được phương án chính thức trình chính phủ quyết định bỏ hay nâng cấp thông tư này.
Trước và sau Thông tư 20 được ban hành
Trong vài ngày vừa qua, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) và đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA) và Trưởng nhóm công tác ô tô xe máy Diễn đàn Doanh nghiệp VN đã có hàng loạt công văn gửi Thủ tướng chính phủ và các ban ngành liên quan về việc Nhà nước cần sớm có các biên pháp thay thế Thông tư 20 vì đã hết hiệu lực. Một trong những điểm mà các đơn vị trên đưa ra là tính hiệu quả của Thông tư 20.
Theo đó, trước khi Thông tư 20 được ban hành (năm 2011) thì tất cả các DN đều được tự do nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ chưa qua sử dụng, do vậy nhiều DN đã sang nước ngoài mua xe từ các cửa hàng mà không rõ xuất xứ, loại xe dùng cho thị trường nào, đạt tiêu chuẩn gì.
Trong giai đoạn 2007 – 2011, tại VN tràn ngập các bãi xe và các cửa hàng ô tô lớn, nhỏ. Đỉnh điểm hơn 100.000 xe được nhập khẩu vào năm 2009, 2010 gây nhập siêu lớn, làm thâm hụt cán cân thương mại… và góp phần tạo ra khủng hoảng kinh tế vào giai đoạn 2011 – 2013. Mặt khác, hầu hết các DN nhập khẩu tự do không quan tâm đầu tư xưởng dịch vụ bảo hành, bảo trì và sửa chữa; các phụ tùng thay thế thì thiếu thốn, không rõ xuất xứ, chất lượng không được kiểm soát…, bảo hành, bảo trì xe ô tô không được quan tâm.
Quan trọng hơn, theo VIVA và VAMA là việc khi Thông tư 20 chưa ban hành, tình hình gian lận thương mại diễn ra thường xuyên, khi mà nhiều DN nhập khẩu xe không chính hãng đã khai giá xe nhập thấp hơn giá trị thực tế, gian lận các loại thuế gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Thậm chí, theo một thống kê sơ bộ đã có hàng loạt DN nhập khẩu xe về VN, sau đó chây ỳ nộp thuế, biến mất để lại hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu thành nợ khó đòi… Đó là chưa tính đến vấn đề vi phạm Luật sở hữu trí tuệ…
Sau khi Thông tư 20 được ban hành, từ năm 2012 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô đã dần đi vào ổn định. Việc nhập khẩu từ chính hãng, có tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sử dụng tại VN, số lượng cung cầu được kiểm soát.
Các cửa hàng, xưởng dịch vụ được đầu tư đúng chuẩn của nhà sản xuất (chính hãng), công tác dịch vụ sau bán hàng nâng cao, việc triệu hồi những xe ô tô có lỗi trong sản xuất để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên với sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Cục Đăng kiểm VN…
Với những quan điểm trên, VAMA và VIVA đề nghị ban hành các biện pháp thay thế cho Thông tư 20; bổ sung ngành nghề kinh doanh ô tô vào Phụ lục 4 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; tổ chức cuộc họp công khai lấy ý kiến từ các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng và các Nhà lắp ráp ô tô trong nước, cùng với sự tham gia của các cơ quan báo đài, trước khi thực hiện điều chỉnh hoặc bãi bỏ Thông tư 20
Việc bỏ hay nâng cấp Thông tư 20 cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nhưng nhanh chóng với sự tham gia góp ý đầy đủ của các nhà quản lý, các chuyên gia, các DN sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu chính hãng lẫn các DN nhập khẩu nhỏ lẻ.
Bỏ hay nâng cấp?
Ở chiều ngược lại, nhiều quan điểm cho rằng cần phải loại bỏ hẳn Thông tư 20.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế, VCCI khẳng định, các quy định của Thông tư 20 thực chất là các điều kiện kinh doanh dưới Luật do Bộ Công Thương đưa ra. Hiện Chính phủ yêu cầu, những Thông tư nào không còn phù hợp thì nên bãi bỏ và việc đưa quy định Thông tư 20 vào dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương là không hợp lý, không tính đến yếu tố phát triển của thị trường và đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Ngay cả việc kiểm soát chất lượng xe thì đã có Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, cấp giấy chứng nhận lưu hành. Còn việc bảo hành, bảo dưỡng thì thực chất đã có các Gara ô tô làm rất tốt, giá lại rẻ – ông Tuấn nhấn mạnh.
Với một góc nhìn khách quan, ông Nguyễn Tuấn – TGĐ Cty TNHH TM Thiên An Phú chỉ rõ việc Thông tư 20 yêu cầu DN phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là một điều kiện bắt buộc đối với DN liệu đã trái với khoản 5 điều 7 Luật DN (Quyền của DN: Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu) bởi, các hãng sản xuất ô tô (nước ngoài) thường chỉ chọn 1 nhà phân phối sản phẩm tại nước khác (VN). Vì vậy, điều kiện giấy ủy quyền chính hãng này đã “tước quyền” nhập khẩu ô tô của nhiều DN.
Vậy, Thông tư 20 có lợi cho ai? – ông Nguyễn Tuấn đặt câu hỏi. Đây cũng là điều được một số DN và chuyên gia đặt câu hỏi và câu trả lời được họ đưa ra là có lợi cho một nhóm lợi ích, tạo độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi giá xe bị đội lên tùy các DN trong nước và nhà nhập khẩu chính hãng.
“Chúng tôi hiểu rằng, trong một giai đoạn kinh tế nào đó thì Thông tư 20 là hợp lý. Nhưng mọi Thông tư nên cần có một khoảng thời gian nhất định khi kinh tế được ổn định. Chính phủ phải trả nó về nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh từ giá cả, phương cách phục vụ, đến bảo hành để người tiêu dùng được lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình. Không nên để một số lợi ích nhóm “tát nước theo mưa”, cố tình kéo dài Thông tư 20 nâng lên thành Nghị định. Vì khi NĐ đã được chính phủ thông qua thì muốn thay đổi nó cũng mất 3-4 năm, khi đó các DN trong nước không còn sống được nữa và DN nước ngoài sẽ làm mưa làm gió” – ông Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.
Với những quan điểm nêu trên, việc bỏ hay nâng cấp Thông tư 20 đang đòi hỏi các cơ quan quản lý xác định rõ ràng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các DN.
Theo Văn Đạt (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)