Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho rằng dự thảo nghị định mới trình có nhiều điểm cải cách, trong đó giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay thông qua rà soát các điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải cũng không thể quay lưng.
Sửa theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp vận tải
Lãnh đạo Vụ Vận tải cho rằng dự thảo nghị định mới được xây dựng và triển khai dựa trên Luật Giao thông đường bộ với 5 loại hình vận tải, bao gồm: xe cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và xe bus.
“Khi đưa phần mềm điện tử mà không làm thay đổi bản chất của các loại hình này thì chúng ta cần khuyến khích. Ví dụ như phần mềm có thể ứng dụng lên xe taxi, cũng có thể ứng dụng lên xe hợp đồng, thậm chí là cả xe chở hàng hóa. Hà Nội đã ứng dụng lên cả xe bus”, ông Ngọc nói.
Nghị định mới sẽ mở rộng thêm taxi cũng có thể sử dụng hợp đồng điện tử. Ngoài ra còn có xe du lịch và xe chở hàng hóa. Dự thảo nghị định mới được sửa theo hướng mở, tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn. Lúc đó, phần mềm giống như một sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nghị định mới thay thế Nghị định 86 cũng bỏ quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.
“Tôi lấy ví dụ trước đây quy định một đơn vị kinh doanh vận tải chạy 300 km trở lên phải có 10 xe chẳng hạn. Nhưng thực tế, có những doanh nghiệp làm tuyến cố định, họ chỉ cần 2 xe chạy thôi. Nếu cứ bắt 10 xe thì khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ xe taxi khi ứng dụng phần mềm thì sẽ như thế nào.
Hình thức thứ nhất sẽ giống như Grab, Uber. Ví dụ một xe taxi trước đây kết nối với hành khách thông qua bộ đàm thì bây giờ dùng phần mềm giống như Grab, Uber kết nối với hành khách. Khi kết nối rồi, khách chọn xe và xe chọn khách rồi thì vẫn tính tiền theo đồng hồ. Điều đó không thay đổi bản chất hoạt động của một chiếc taxi.
Hình thức thứ 2, nếu khách đi xe một quãng đường xa. Hai bên (taxi và khách hàng) có thể sử dụng hợp đồng thường hoặc hợp đồng điện tử, bởi quãng đường xa không thể tính theo km. Hợp đồng điện tử này phải công khai ngay số tiền trước khi đi. Giao diện hợp đồng cũng nói rõ trách nhiệm của 2 bên.
Hình thức thứ 3 là xe du lịch. Vì bản chất của loại xe này cũng là xe hợp đồng. Do đó phải có hợp đồng giữa chủ xe và các hành khách đi du lịch, cũng có thể ứng dụng công nghệ thông tin được.
Tương tự như vậy có thể ứng dụng với việc vận chuyển hàng hóa, giữa người muốn chuyển hàng hóa và người có xe, thông qua một ứng dụng này khi họ không gặp được nhau.
Trong nghị định mới, trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm cũng được quy định rõ hơn. Doanh nghiệp cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh, đúng ngành nghề. Đăng ký với Bộ Công Thương về giao dịch điện tử; đăng ký hoạt động với Bộ GTVT. Ngoài ra còn kết nối với Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính.
Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm cũng được quy định rõ ràng về trách nhiệm với hành khách.
Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết đang đề xuất Thủ tướng cho tiếp tục triển khai thí điểm Uber, Grab đến khi nghị định mới thay thế Nghị định 86 được ban hành.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)