Bộ Công Thương đang dự thảo nghị định loại bỏ nhiều điều kiện về kinh doanh gas, doanh nghiệp thở phào như được hồi sinh.
Bỏ nhiều điều kiện trói doanh nghiệp
Sau năm tháng thực hiện, Bộ Công Thương đánh giá Nghị định 19/2016 về kinh doanh gas có những nội dung trở thành căn nguyên dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm kinh doanh trong ngành này. Trong đó một bên là các DN nhỏ kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh vì không thể đáp ứng nổi về chi phí đầu tư vỏ bình, kho chứa. Còn một số “ông lớn” trong ngành lại yêu cầu tuân thủ nghiêm túc Nghị định 19.
Trước những tranh cãi này, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, chuyên gia để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Bộ vừa quyết định thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập nhằm rà soát, nghiên cứu và xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 19/2016 về kinh doanh khí. Qua đó để điều chỉnh, sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm hài hòa các mục tiêu.
Theo đó, trong dự thảo của Bộ Công Thương sửa đổi nghị định 19/2016, những điều kiện ngặt nghèo về số lượng vỏ bình, dung tích bồn chứa… vốn là nguyên nhân chính gây bức xúc cho các công ty nhỏ kinh doanh gas đã được bãi bỏ. Chẳng hạn các công ty kinh doanh gas sẽ không còn phải bỏ ra từ 25 tỉ đến 100 tỉ đồng để mua vỏ bình rồi chất đống, cũng như phải thuê kho bãi khủng để chứa bình gas. Điều kiện phải có bồn chứa 300 m3 cũng được bãi bỏ.
Đánh giá về động thái trên của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét: “Đây là một trong những tín hiệu rất tốt đối với quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh gas. Nếu việc này được thực hiện sớm thì các DN nhỏ kinh doanh gas sẽ không phải lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phá sản như các công ty kinh doanh gạo đã từng gặp phải với Nghị định 109 về xuất khẩu gạo”.
Nghị định 19 gây bức xúc cho DN kinh doanh gas suốt nhiều tháng qua. Ảnh: HTD |
“Như nắng hạn gặp mưa rào”
Bà Trương Thị Vàng, Giám đốc một công ty gas ở Đồng Nai, cho biết hiện vẫn đang loay hoay với quy định muốn phân phối gas, DN phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3 tại Nghị định 19.
Bà Vàng nói: “Mấy tháng nay, công ty của tôi phải xoay xở, cắt giảm một phần nhân công và thu hẹp phạm vi kinh doanh. Tôi đã tính đến phương án sáp nhập vào một công ty khác để liên kết nhưng không khả thi. Thậm chí tôi còn tính toán chấp nhận chịu lỗ để bán lại công ty và trạm chiết gas cho người khác nhưng nghĩ tới công sức bỏ ra hàng chục năm qua, tôi không đành lòng”.
Theo bà Vàng, điều bà lo lắng nhất là công ăn việc làm cho những nhân viên còn trụ lại. “Tôi thì không sao, bán công ty đi vẫn đủ tiền sống khỏe nhưng lợi ích của nhân viên và những người lao động khác thì sao đây?” - bà Vàng tâm sự.
Kể từ khi có thông tin về việc Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 19/2016, niềm hy vọng của bà Vàng lại “sống” lại: “Tôi vui lắm. Vì nếu sửa đổi theo hướng mà dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra thì tôi không cần phải tốn tới 50 tỉ đồng để mua vỏ bình, dành tiền đó đầu tư các dịch vụ khác. Đúng là chúng tôi như chết đi sống lại” - bà Vàng hồ hởi.
Nhiều công ty kinh doanh gas khác cũng có chung tâm trạng. Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Gas Đông Tùng tại Hà Giang, bày tỏ: “Đây là tín hiệu rất lạc quan mà các DN nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực khí đã mong mỏi, chờ đợi để được hoạt động kinh doanh bình thường. Nó chẳng khác nào như nắng hạn gặp mưa rào” - ông Tùng nói ví von.
Tuy vậy, ông Tùng và một số công ty khác cũng đề nghị ban soạn thảo cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, từ đó mới có thể đưa ra đánh giá khách quan, công tâm với tinh thần mỗi người dân đều được quyền kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt là ngoài những điều kiện đã bỏ, trong dự thảo cũng cần loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà trong Nghị định 19 để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư làm ăn.
Ba điều kiện Bản dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 19 về kinh doanh gas đã sửa đổi theo hướng xóa bỏ gần hết các điều kiện với thương nhân phân phối. Cụ thể, để làm thương nhân phân phối, các đơn vị chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh, không cần phải lo về vỏ bình, kho chứa như lâu nay. Dự thảo nghị định cũng chỉ quy định ba điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh khí. Thứ nhất là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký ngành nghề kinh doanh khí. Thứ hai, có hợp đồng mua bán khí với thương nhân sản xuất, chế biến khí hoặc thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí và thứ ba là đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định. Chỉ làm lợi cho “ông lớn” Đại diện một công ty kinh doanh gas tại đồng bằng sông Cửu Long xin giấu tên cho hay kể từ khi Nghị định 19/2016 có hiệu lực, nhiều công ty đã cố gắng vay mượn, cầm cố để đáp ứng tiêu chí 100.000 vỏ bình và bồn chứa 300 m3 dù biết điều đó là lãng phí và không cần thiết. “Dù công ty tôi đã làm mọi cách mới đáp ứng đủ các điều kiện của Nghị định 19 nhưng tôi vẫn ủng hộ việc sửa đổi nghị định này theo hướng thông thoáng hơn, qua đó đảm bảo quyền bình đẳng kinh doanh cho cả cộng đồng. Bởi một số điều kiện kinh doanh tại Nghị định 19 đi ngược lại với Luật DN, Luật Đầu tư 2014 và chỉ làm lợi cho một số công ty lớn. Nó khiến các DN nhỏ điêu đứng, phá sản” - đại diện DN trên nói. |
Theo Chân Luận (Pháp Luật TPHCM)