Bộ Công Thương "xin" Thủ tướng miễn thuế để tận thu mỏ dầu Sông Đốc

18/10/2017 11:05:00

Để đảm bảo dòng tiền đầu tư, chi phí dự án (dòng tiền âm) thấp, Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng xin cho miễn thuế xuất khẩu đối với dầu thô xuất khẩu khai thác từ mỏ dầu Sông Đốc (thềm lục địa phía Nam, mũi Cà Mau).

Để đảm bảo dòng tiền đầu tư, chi phí dự án (dòng tiền âm) thấp, Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng xin cho miễn thuế xuất khẩu đối với dầu thô xuất khẩu khai thác từ mỏ dầu Sông Đốc (thềm lục địa phía Nam, mũi Cà Mau).

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, trong quý IV/2017 và quý I/2018 nếu tiếp tục phải gánh các khoản thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên thì chi phí đầu tư dự án khai thác dầu thô tại mỏ Sông Đốc sẽ đội lên lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Bộ Công Thương có văn bản xin Thủ tướng miễn thuế xuất khẩu dầu mỏ Sông Đốc

Bộ Công Thương có văn bản xin Thủ tướng miễn thuế xuất khẩu dầu mỏ Sông Đốc

Bộ Công Thương báo cáo, trong quý III/2017, hoạt động khai thác dầu thô tại mỏ Sông Đốc đạt 164.300 thùng, doanh thu đạt trên 8,2 triệu USD (187 tỷ đồng), dòng tiền dự án dương (thu vào) khoảng 729.500 USD (16,6 tỷ đồng).

Trong quý IV/2017, dự kiến khai thác sản lượng khoảng 154.860 thùng, sau khi nộp thuế tài nguyên (7%), thuế xuất khẩu dầu thô (10%), dòng tiền Dự án trong quý IV là khoảng 21.600 USD (gần 500 triệu đồng). Nếu được miễn thuế xuất khẩu dầu thô (10%) dòng tiền thu vào dự án 12,8 tỷ đồng.

Trong quý I/2018, sản lượng khai thác dự kiến là hơn 142.900 thùng, sau khi đóng thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu thô, Bộ Công Thương dự toán dự án sẽ âm 265.882 USD (6 tỷ đồng). Trường hợp được miễn thuế xuất khẩu dầu thô, dòng tiền thu vào dự án sẽ là 448.700 USD (10 tỷ đồng).

Theo Bộ Công Thương, để duy trì khai thác tận thu mỏ Sông Đốc sau ngày 31/12/2017 cần xem xét chính sách miễn thuế xuất khẩu dầu thô nhằm đảm bảo dự án có dòng tiền lãi. Trường hợp nếu dự án được miễn thuế xuất khẩu, PVN đánh giá dự án có dòng tiền dương đến hết quý II/2018, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 1,5 triệu USD (34,2 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 21/8, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị xem xét hướng dẫn thủ tục xin miễn thuế xuất khẩu dầu thô (thuộc thẩm quyền của Chính phủ) và thuế tài nguyên (thuộc thẩm quyền của Quốc hội) đối với mỏ Sông Đốc nhằm tận thu tài nguyên cũng như tạo công việc cho lao động ngành dầu khí.

Bộ Công Thương xin kiến nghị Thủ tướng cho phép PVN, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) duy trì khai thác tận thu mỏ Sông Đốc đến ngày 31/12/2017.

Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét đề nghị của PVN về việc miễn thuế xuất khẩu dầu thô đối với Dự án khai thác tận thu mỏ Sông Đốc, báo cáo Chính phủ quyết định trong tháng 11/2017.

Mỏ Sông Đốc cách mũi Cà Mau khoảng 205 km về phía Tây Bam, được đưa vào khai thác từ ngày 24/11/2008.

Dự án liên danh giữa ba công ty: PVEP nắm giữ 40%, Petronas Carogali Overseas Sdn.Bhd (Malaysia) nắm giữ 30% và Talisman Vietnam Ltd nắm giữ 30%.

Được biết, ba tổ chức tài chính trong nước là OceanBank, Techcombank và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) cam kết cho vay 90 triệu USD cho dự án khai thác dầu mỏ của mỏ Sông Đốc

Năm 2013, sau 5 năm khai thác, dự án không hiệu quả về kinh tế nên đã dừng khai thác, bàn giao lại cho Chính phủ Việt Nam. PVEP sau đó được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác dự án để tận thu tài nguyên, đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách.

Theo An Linh (Dân Trí)