Nhiệt điện Formosa tại Đồng Nai |
Theo lý giải của cơ quan Bộ Công Thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Formosa do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa (tại Đồng Nai) làm chủ đầu tư có công suất 2x150 MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu đã đi vào vận hành từ năm 2004.
Tại Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 9/7/2003 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho phép Formosa nhập khẩu than để sử dụng cho mục đích phát điện của Nhà máy nhiệt điện Formosa. Do đó, việc Formosa đề nghị tiếp tục nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện là phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin, Formosa đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan, yêu cầu tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu than trực tiếp từ nước ngoài. Lý do của Formosa đưa ra, than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai. Đồng thời Formosa là DN có kinh nghiệm và có nguồn cung tốt, do đó được quyền tự nhập than không qua doanh nghiệp nào cả.
Tuy nhiên, bối cảnh cho phép Formosa trực tiếp nhập than 2004 khác với hiện nay, khi đó than nhập giá rẻ được ưu tiên dùng cho các nhà máy điện, số lượng than khai thác trong nước được khai thác chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện nay, khi nhập khẩu than đang rất lớn, lượng tồn kho tăng cao và đặc biệt từ năm 2014, Chính phủ đã quy định ưu tiên sử dụng than trong nước để phát điện và các DN nhập khẩu than phải thông qua hai đầu mối chính, nhằm quản lý hoạt động nhập khẩu than.
Cụ thể, trong Thông báo số 346/TB-VPCP chỉ đạo ngày 26/8/2014 Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc nhập khẩu than. Theo quy định phải qua hai đầu mối chính là: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoặc Tổng Công ty Đông Bắc. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế vừa bảo đảm các doanh nghiệp đầu mối tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp. Văn bản này có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành.
Một diễn biến đáng chú ý, theo thông báo mới nhất Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), lượng tồn kho than trong nước sản xuất hiện đang ở mức 10 triệu tấn, trong khi đó, hết 9 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu than (theo báo cáo của Tổng cục Hải quan) đã sụt giảm hơn 50% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015, đứng đầu trong các mặt hàng sụt giảm xuất khẩu. Sản xuất tồn kho, xuất khẩu giảm sút, đang khiến TKV rất khó khăn.
Chiều ngược lại, nhập khẩu than của Việt Nam qua TKV và từ nhiều DN có xu hướng tăng rất mạnh. Hết 9 tháng, cả nước đã nhập hơn 10,5 triệu tấn than, bằng với lượng than tồn kho, đạt giá trị khoảng 654 triệu USD, tăng mạnh nhất trong các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam, khoảng 147% về lượng và 82% về giá trị.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)