Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải quyết khiếu nại của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ không huỷ bỏ quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.
“Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này, các công ty có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, trên cơ sở kết luận điều tra chính thức, Việt Nam đã áp dụng mức thuế tự vệ toàn cầu với bột ngọt nhập khẩu trong vòng 4 năm, tính từ ngày 25/3/2016 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước khắc phục thiệt hại do sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu. Mức thuế tự vệ được áp dụng ở mức 4.390.999 đồng/tấn trong 1 năm, sau đó sẽ giảm dần 10%/năm trong 3 năm tiếp theo, và không còn áp dụng từ 25/3/2020.
Sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt, Bộ Công Thương đã nhận được đơn khiếu nại của Công ty CJ Cheil Jedang và các công ty nhập khẩu mặt hàng bột ngọt với mặt hàng này.
Trong đó, CJ Cheil Jedang cho rằng, sản phẩm bộ ngọt của CJ không bán lẻ cho người tiêu dùng mà được làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước nên không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.
Theo CJ: “Bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp tự vệ cho tất cả các mặt hàng bột ngọt nhập khẩu mà không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, giá cả, nguyên nhân và bối cảnh chung của thị trường là không công bằng cho CJ và ảnh hưởng đến hoạt động của CJ”.
Ba nhà nhập khẩu khác là Công ty Uniben, Công ty Tân Minh Thông và Công ty Interfood cũng cùng khiếu nại quyết định tăng thuế để bảo vệ công ty sản xuất trong nước là đi ngược lại cam kết hội nhập kinh tế thế giới và người tiêu dùng là người chịu thiệt hại cuối cùng.
Nhóm công ty này cũng cho rằng, quá trình điều tra và ra quyết định của Bộ Công Thương thiếu tính minh bạch. Công ty Tân Minh Thông là nhà nhập khẩu bột ngọt, liên quan trực tiếp đến vụ việc nhưng không nhận được bất cứ thông tin chính thức nào từ phía Cục Quản lý cạnh tranh trong khi công văn trình bày ý kiến chưa được Bộ Công Thương xem xét và phản hồi thấu đáo.
Trả lời các khiếu nại của các nhà nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, theo pháp luật về tự vệ Việt Nam và WTO, không có quy định về phân biệt sản phẩm để sản xuất và sản phẩm để tiêu dùng. Việc kết luận về phạm vi sản phẩm điều tra chỉ phụ thuộc vào các yếu tố được quy định tại Pháp lệnh Tự vệ. Do đó , việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu cho tất cả các mặt hàng bột ngọt nhập khẩu và không phân biệt nguồn gốc xuất xứ là đúng theo quy định của pháp luật.
Về tính minh bạch trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương cũng cho rằng, sau khi ra quyết định điều tra chính thức, Bộ đã đăng tải và thông báo lên website chính thức cũng như thông báo cho các phương tiện truyền thông.
“Kết quả đánh giá tổng hợp cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng do hàng hoá nhập khẩu gây ra. Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng Cơ quan điều tra hoàn toàn minh bạch trong quá trình điều tra vụ việc này”, Bộ Công Thương khẳng định.
Theo Phương Dung (Dân Trí)