Theo ông Hưng, ở đây, tính chất không phải xuất xứ, mà vấn đề đúng hơn là lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ. Có nghĩa, khi nhập hàng nguyên liệu về, chúng ta có thể đầy đủ cơ sở để xác định với một tỉ lệ phần trăm nhất định, với mức độ gia công chế biến vẫn không thể qua được xuất xứ. Tuy nhiên, lẩn tránh xuất xứ mà đại diện Bộ Công thương đã giải thích rất rõ trong bài phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ, ngày 2/11/2019: một nước nào đấy không muốn xuất xứ từ chính họ, có thể vòng qua nước thứ ba để lẩn tránh xuất xứ.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong các vụ việc phòng vệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Và sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các đối tượng trong quy định về phòng vệ thương mại, hay các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời cảnh báo cho DN. Bộ cũng đang tăng cường các vấn đề liên quan khác về gian lận xuất xứ và lẩn tránh xuất xứ. Bộ Công thương đang triển khai quyết liệt đề án Tăng cường biện pháp quản lý chống vi phạm trong việc lẩn tránh xuất xứ và gian lận thương mại. Việc này còn phụ thuộc vào các cơ quan, các nước nhập khẩu, như theo quy định của EU, Hoa Kỳ, yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và yêu cầu các DN tự khai xuất xứ. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị để triển khai các vấn đề này.
Đúng, trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp mà DN, đơn vị nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán và tham gia trưng bày, giới thiệu, có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò”. Theo Bộ Công thương, sự việc mang tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định về pháp luật hiện hành.
Trước hết về mặt hàng ô tô, qua phát hiện, xác định một số ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có chức năng định vị sử dụng bản đồ Trung Quốc có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Ngay khi phát hiện ra sự việc, Bộ Công thương đã làm việc với công ty thương mại nhập khẩu nhãn hiệu ô tô và yêu cầu giải trình rõ sự việc nêu trên. Sau khi công ty giải trình, màn hình định vị có sử dụng bản đồ Trung Quốc mặc định không thể sử dụng tại Việt Nam, do khác hệ thống định vị và không có dữ liệu. Công ty đó đã yêu cầu kiểm tra, nhưng sơ suất không phát hiện ra vấn đề này. Bộ Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu công ty thông báo công khai và triển khai thu hồi toàn bộ ô tô mà công ty đã nhập khẩu để kiểm tra, khắc phục vi phạm. Công ty cũng phải đảm bảo khắc phục vi phạm đối với toàn bộ chiếc xe công ty nhập khẩu trước ngày 30/11/2019 và đến ngày này, nếu công ty chưa khắc phục xong, Bộ Công thương sẽ phải dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho công ty. Và hằng tuần, công ty phải báo cáo về Bộ Công thương tình hình khắc phục vi phạm, cho đến khi khắc phục xong. Ngoài ra, công ty cũng phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt, hoặc gửi kèm theo ô tô bất kỳ thiết bị, tài liệu, hình ảnh nào vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các DN nhập khẩu ô tô rà soát tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm trên ô tô, có báo cáo về Bộ trước ngày 15/11/2019. Các DN nhập khẩu ô tô này sẽ phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, các DN cũng phải rà soát các hợp đồng, các văn bản thủ tục pháp lý, cam kết với người bán hàng để bảo đảm hàng hóa nhập khẩu không gắn, không cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam. Khi tiến hành nhập khẩu, DN phải kiểm tra chặt chẽ toàn bộ các xe ô tô trước khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn và sử dụng bất kỳ thiết bị nào có hình ảnh vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, Bộ Công thương cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý ô tô nhập khẩu. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn của các ô tô nhập khẩu, đặc biệt với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm đưa việc kiểm tra nội dung thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn vào quy trình kiểm tra đối với tất cả các ô tô trước khi đưa ra thị trường.
Đối với một số hàng hóa khác mà chúng ta phát hiện có mang hình ảnh “đường lưỡi bò”, Bộ Công thương đã làm việc với các DN liên quan. Trước hết, đề nghị dừng và tiến hành thu hồi tất cả mặt hàng đó. Thứ hai, tiến hành kiểm tra kiểm soát lại nội dung, xác định mức độ vi phạm và sau đó tiến hành xử lý hành chính và xử lý các vấn đề liên quan. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo thẩm quyền.
Để ngăn chặn lâu dài, ngày 1/11/2019, Bộ Công thương cũng ban hành văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ, cũng như các sở công thương, tăng cường kiểm tra, rà soát các hoạt động thương mại trên địa bàn. Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo thẩm quyền, theo định kỳ cũng như đột xuất đối với các hoạt động trong ngành công thương từ sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp hàng hóa có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và hình ảnh thông tin khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia và vi phạm pháp luật hiện hành. Thứ hai, thông báo đến các DN trên địa bàn chủ động rà soát thông tin các sản phẩm do DN nhập khẩu, kinh doanh có hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và hình ảnh thông tin khác, gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và vi phạm pháp luật hiện hành. Thứ ba, phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền đến người dân, người tiêu dùng trên địa bàn, để nâng cao ý thức cảnh giác, không mua, không sử dụng và kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền đối với các hình ảnh, thông tin về “đường lưỡi bò” và các nội dung liên quan khác, gây ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền Quốc gia và vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
"Về lâu dài, chúng ta có thể tiến hành các biện pháp kỹ thuật để lọc ra những hình ảnh mang tính chất như vậy để kịp thời ngăn chặn. Thứ hai là sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này để chúng ta kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra và ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn trong tương lai"- ông Hưng nêu ra giải pháp.
Theo Đức Nguyễn (Nguoitieudung.com.vn)