Bộ Công Thương kiểm tra việc phát triển ‘nóng’ điện mặt trời tại 10 tỉnh

15/03/2021 16:34:29

Liên quan đến việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, sẽ kiểm tra thực tế tại 10 tỉnh về việc phát triển điện mặt trời.

Theo ông Dũng, vừa qua, Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây. Việc quá tải các dự án điện mặt trời, đường dây truyền tải diễn ra vào năm 2019 và đầu năm 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh.

Với dự án điện mặt trời, tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng nhưng với đường dây truyền tải, thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.

“EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay, quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra và trong thời gian tới sẽ kiểm tra thực tế tại 10 tỉnh về việc phát triển điện mặt trời. Thời gian kiểm tra kéo dài trong 40 ngày. Khi có kết quả, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công luận được biết.

Bộ Công Thương kiểm tra việc phát triển ‘nóng’ điện mặt trời tại 10 tỉnh

Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp. Sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, góp phần bổ sung nguồn điện sạch tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020. Tuy nhiên, đến nay Quyết định 13 về giá điện mặt trời đã hiệu lực vào cuối năm 2020 nên cần phải ban hành cơ chế chính sách mới. Trong đó điện mặt trời mặt nước và mặt đất áp dụng cơ chế đấu thầu còn điện mặt trời mái nhà áp dụng cơ chế cố định.

Cùng với với sự phát triển mạnh của các dự án điện mặt trời, theo báo cáo của SSI Research, năm 2020, các doanh nghiệp làm điện mặt trời đã huy động tổng cộng 29.900 tỷ đồng (tăng 254% so với năm 2019) vốn trái phiếu.

Ước tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời. Theo quy định hiện hành của ngành ngân hàng, tín dụng điện mặt trời không nằm trong danh mục bị hạn chế, thậm chí còn được khuyến khích cho vay, do được xếp vào diện cho vay ‘tín dụng xanh’ (nguồn năng lượng tái tạo.

Số liệu của EVN cũng cho thấy, tổng sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Còn tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.

Cùng với sự tăng mạnh của các dự án điện mặt trời, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

“Trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV”, ông Ninh cho hay.

Tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/3 vừa qua, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương đang dự thảo việc giảm giá điện mặt trời mái nhà xuống dưới 6 cent/kWh và mức giá này là phù hợp với tình hình mới và đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện.

Sẽ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện với 3 nhóm khách hàng dùng điện

Về việc điều chỉnh giá điện theo cơ cấu nguồn điện mới trong quy hoạch điện 8 và cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24 ban hành năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện.

Về điều hành giá điện, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Quy hoạch điện 8 trình Chính phủ xem xét và dự kiến thông qua trong thời gian tới. Song song với việc xây dựng Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng khung giá bán lẻ bình quân giai đoạn 2021 - 2026. Khung giá này có tính đến giải pháp phát triển cũng như khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, truyền tải và phân phối.

Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện theo các đối tượng khách hàng sử dụng điện và đã lấy ý kiến rộng rãi của bộ ngành địa phương, khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá góp ý của các đơn vị, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương tính toán sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, hành chính sự nghiệp để đảm bảo đúng thực tế sử dụng của khách hàng”, ông Tuấn cho hay.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)