Về việc giá thép xây dựng trong nước tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 45% trong thời gian vừa qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lý giải nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của thép đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Liên quan đến nội dung liệu “có sự bắt tay” của doanh nghiệp, nhằm tăng giá thép lên cao theo kiến nghị của Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam, Bộ Công Thương khẳng định nghi vấn này không có cơ sở.
Cơ quan này cũng dự báo Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép trong năm nay. Trong đó, quặng sắt cho các lò cao sẽ phải nhập khẩu với sản lượng khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Theo đó, doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường trong nước sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào của sản phẩm này tăng cao.
Cục Công nghiệp còn dự báo cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm nay, con số này của năm ngoái là hơn 6,4 tỷ USD.
Việt Nam hiện có trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,3 tỷ tấn quặng sắt (nguyên liệu chính để luyện thép), tập trung chủ yếu ở 2 mỏ. Trước tiên, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn nhưng đã dừng hoạt động từ 2011 đến nay. Mỏ sắt Quý Xa có trữ lượng khoảng 124 triệu tấn, được cấp phép khai thác từ 2007 với công suất 3 triệu tấn mỗi năm nhưng giấy phép khai thác đã hết hạn vào 2020. Hiện một số cơ quan chỉ thống nhất cấp phép lại cho mỏ với công suất 900.000 tấn mỗi năm, chỉ đủ phục vụ cho nhà máy Gang thép Lào Cai.
“Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài là những lý do khiến giá thép tăng mạnh”, Cục Công nghiệp cho biết.
Trong bối cảnh vừa nêu, Bộ Công Thương đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả sản phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2021 cũng như những năm tới và đã báo cáo Thủ tướng vào ngày 5/2. Bộ Công Thương còn kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp với Bộ triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định cung-cầu và giá thép trong năm nay.
Trong đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; Chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng; Chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm nay để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm thép các loại, giúp doanh nghiệp ngành thép chủ động trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về giải pháp dài hạn ổn định cung-cầu, đối với thép xây dựng, Bộ cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng nêu rõ do giá thành thép phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng từ giá thép ở thị trường thế giới.
Thép cuộn cán nóng (HRC) được dự báo vẫn sẽ mất cân đối cung- cầu trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển dự án sản xuất thép cán nóng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Năm nay, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6% và nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại ước tính cũng khoảng 27 triệu tấn.
Về nguồn cung thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như dự án liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, dự án nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua, năng lực sản xuất thép xây dựng dự kiến đạt khoảng 14 triệu tấn, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Về HRC, hiện công suất trong nước đạt khoảng 5-6 triệu tấn nhưng Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn trong năm 2020. Vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
“Năng lực nguồn cung thì thừa nhưng việc cung ứng lại là một câu chuyện khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Hoạt động logisitcs cũng bị gián đoạn nên các nhà sản xuất không thể tăng công suất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch Covid-19 ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. Do đó, nghi vấn có sự “bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở”, Bộ Công Thương lý giải.
Theo Ngọc Hà (Người Đồng Hành)