Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 năm 2011 vốn gây nhiều phản ứng thời gian qua. Trong đó có 2 kiến nghị chính:
- Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
- Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Thông tư 20 được ban hành năm 2011, yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó. Thương nhân cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Đã có ý kiến cho rằng việc giữ nguyên tinh thần của thông tư này là tạo thế độc quyền cho các đại gia trong ngành như Ô tô Trường Hải.
Tuy nhiên, trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Với quy định mới, ai cũng có quyền nhập khẩu ô tô mà không cần phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng, tức bãi bỏ hoàn toàn Thông tư 20.
Quy định mới cũng sẽ yêu cầu mỗi chiếc xe mới bán ra đều phải kèm theo cam kết bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng tại cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ Giao thông Vận tải xác nhận là đủ điều kiện. Nếu không có cam kết này, xe sẽ không được đăng ký lưu hành.
Về lo ngại của Chủ tịch HĐQT Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương về việc bảo hành, sửa chữa của các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ, Thứ trưởng Khánh cho biết trên Tuổi trẻ: Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ chưa đề xuất mô hình cụ thể nhưng nếu được giao phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương sẽ đề xuất các loại phương tiện có thể được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa tại 3 loại cơ sở:
- Cơ sở chính hãng mở tại Việt Nam,
- Cơ sở được chính hãng ủy quyền,
- Cơ sở được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa phương tiện.
“Về nguyên tắc, nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng là của chính hãng, nhưng điều đó không ngăn cản Nhà nước cho phép thêm các cơ sở khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ này trên cơ sở đáp ứng các điều kiện do Nhà nước quy định”, ông Khánh cho biết.
Theo Bình An (Cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ)