Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng sinh học trong thời gian tới. Theo kiến nghị của doanh nghiệp (DN) này, nếu trong thời gian tới sản lượng xăng E5 vẫn thấp dù đã áp dụng các biện pháp, thì nên cho sử dụng lại xăng RON 92.
Lo doanh nghiệp tư nhân chỉ duy trì trụ bơm xăng RON 95
Ông Trần Minh Hà, Tổng giám đốc Saigon Petro, chia sẻ DN kinh doanh phải tuân thủ chính sách nhưng cũng cần đáp ứng mục tiêu lợi nhuận.
"Nếu tình hình tiêu thụ xăng E5 ảm đạm như hiện nay thì viễn cảnh các DN tư nhân chỉ duy trì trụ bơm xăng RON 95 rất dễ xảy ra. Bởi kinh doanh dựa trên nhu cầu xã hội mà cứ duy trì bán xăng E5 thì sẽ tạo nên lãng phí lớn", lãnh đạo Saigon Petro nói.
DN này đưa ra thực trạng hiện người tiêu dùng, nhà bán lẻ đều không mặn mà với xăng E5. Lượng tiêu thụ tăng so với năm 2017 nhưng tỷ trọng chiếm thấp, sản lượng bán của các cửa hàng chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.
Thậm chí, theo tính toán, tính sản lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ bằng 50% xăng RON 92, 50% xăng RON 92 còn lại chuyển sang RON 95 và mức chênh lệch giữa xăng E5 và RON 95 là 1.600 đồng/lít, thì trong 2 tháng đầu năm 2018, lãng phí xã hội do các phương tiện dùng RON 95 không cần thiết lên đến 400 tỷ đồng mỗi tháng.
Theo quan điểm của Saigon Petro, hiện nay mức chênh lệch giữa 2 loại xăng chủ yếu đến việc sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài là cần xem xét giảm thêm 500 đồng một lít xăng E5 hoặc không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay.
Saigon Petro cũng đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần tổng hợp số liệu về sản lượng tiêu thụ xăng E5, có biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng này nhiều hơn.
Ngoài vấn đề đến từ người tiêu dùng thì mức chiết khấu giữa hai loại xăng là chưa hợp lý, để kích thích doanh nghiệp bán lẻ hào hứng bán xăng E5. Hiện tại mức chiết khấu xăng E5 đang thấp hơn 200 đồng/lít so với xăng RON 95, nên vì mục tiêu lợi nhuận các DN sẽ ưu tiên bán xăng RON 95.
Giải pháp của Bộ Công Thương là gì?
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng từng nêu trường hợp có DN xin dừng bán xăng E5.
“Đối với các DN hiện nay, ngừng bán thì đó là quyền kinh doanh của DN, các DN có thể bị lỗ, lãi hoặc có thể vì lý do nào đó”, ông bày tỏ.
Ông cho rằng với chức trách, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến điều hành xăng dầu thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo đủ nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng. Ông cũng khẳng định việc chuyển đổi từ xăng RON 92 xăng E5 là chủ trương đúng đắn.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ 1/1/2018, theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, xăng E5 được bán đại trà trên toàn quốc và báo cáo của các đầu mối cũng như các Sở Công Thương trên toàn quốc cho biết số lượng xăng E5 tiêu thụ tăng tương đối nhanh.
Về đề xuất quay lại bán A92, thứ trưởng nói khi biết DN cụ thể đề xuất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp trực tiếp với Sở Công Thương nơi DN kinh doanh tháo gỡ khó khăn, hoặc có thể phối hợp với DN thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.
Doanh nghiệp nói gì?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc, người phát ngôn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết sau 2 tháng triển khai bán xăng sinh học E5 RON 92, thống kê của đơn vị này cho thấy tỷ trọng sản lượng E5 bán ra chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xăng dầu.
Theo ông Dũng, người tiêu dùng đang có hai lựa chọn là xăng E5 và RON 95. Tỷ lệ hai nhiên liệu này bán ra ở mỗi DN, mỗi khu vực thị trường, thậm chí là từng cửa hàng xăng dầu khác nhau là chuyện bình thường, do phụ thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng ở khu vực đó.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ E5 trước khi đưa ra nhận xét đánh giá về diễn biến của thị trường và thị hiếu tiêu dùng của từng vùng. Chúng tôi đang theo dõi, cập nhật số liệu và sau một thời gian nữa sẽ có đánh giá về hiệu quả kinh doanh xăng E5”, lãnh đạo Petrolimex cho biết.
Liên quan đến phản ánh của DN khác về việc kinh doanh xăng E5 rất chậm, tồn kho nhiều, tỷ lệ hao hụt cao dẫn đến ảnh hưởng lợi nhuận, ông Nguyễn Quang Dũng chia sẻ trên thực tế, không chỉ E5 mà bất cứ mặt hàng xăng dầu nào khác cũng có thể phát sinh chi phí nếu không được đảm bảo tốt công tác kỹ thuật. Một thời gian nữa, khi cung cầu thị trường về xăng E5 ổn định thì những yếu tố bất thường sẽ không còn.
Không bình luận trực tiếp về ý kiến đề xuất cho bán lại xăng RON 92, đại diện Petrolimex cho hay thêm thời gian 2 tháng xăng E5 được bán hoàn toàn trên thị trường là quá ngắn để đánh giá về một chính sách với tầm nhìn dài hạn của Chính phủ.
"Trong khi đó, bảo vệ môi trường là chính sách dài hạn và không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết triệt để. Mỗi cá nhân, tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế đều phải tham gia, trong đó chính sách của Nhà nước giữ vai trò định hướng quan trọng. Việc sử dụng nhiên liệu sinh học chỉ là một trong các giải pháp, song song với đó là phải tăng cường, khuyến khích sử dụng nhiêu liệu sạch, chất lượng cao”, ông bày Dũng tỏ.
Cũng theo lãnh đạo Petrolimex thì các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan hay Mỹ, các nước châu Âu đã dùng đến xăng E10 từ nhiều năm nay. Thậm chí, các nước tiên tiến đã dùng nhiên liệu sạch tiêu chuẩn tới Euro 4, Euro 5. Do vậy, theo ông, việc sử dụng nhiên liệu sạch ở Việt Nam là tiến trình nhiều năm, đòi hỏi nỗ lực, kiên trì và sự đóng góp của nhiều thành phần kinh tế chứ không riêng các doanh nghiệp xăng dầu.
Theo Hiếu Công - Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)