Giá nhiên liệu phối trộn xăng sinh học E5 nhập khẩu cao hơn 5-7% trong nước để đảm bảo loại xăng này có giá hấp dẫn khi thay thế xăng khoáng vào năm sau.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để đảm bảo mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5. Cụ thể hơn, Vụ này được yêu cầu chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, nghiên cứu cơ chế về thuế với nguồn ethanol phối trộn xăng sinh học - E100; đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu cao hơn 5-7% so với sản xuất trong nước.
Cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế thuế nhập khẩu với nhiên liệu E100 dùng trong phối trộn xăng sinh học E5 để đảm bảo nguồn cung trong nước. Ảnh: PVOil |
Chỉ đạo này của lãnh đạo ngành Công Thương nhất quán với quan điểm đưa ra trước đó của Bộ Tài chính, rằng giá nhập khẩu E100 cao hơn giá sản xuất trong nước để giá bán xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng khi chuyển đổi. Vì thế, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu với E100 từ 20% xuống 17%. Cơ quan này tính toán, với mức thuế suất trên cộng với thuế bảo vệ môi trường với E5, E10 có thể sẽ được giảm từ 1/7/2018, thì giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng khoáng khoảng 1.345 - 1.495 đồng một lít; giá xăng E10 sẽ thấp hơn từ 1.484 đến 1.634 đồng một lít...
Tuy nhiên, tại cuộc họp về xử lý 12 dự án đắp chiếu tổ chức cuối tuần qua tại Bộ Công Thương, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu nguyên liệu xơ sợi, ethanol, nhằm cứu dự án thua lỗ thuộc tập đoàn này gồm ethanol Bình Phước và Dung Quất và PVTex.
“Một số đơn vị muốn giảm thuế nhập khẩu ethanol trong 2018, nhưng sẽ gây khó khăn cho các dự án chúng tôi đang tìm cách tái khởi động. Sản phẩm của các dự án này tính cạnh tranh thấp, nên đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét không giảm thuế nhập khẩu trong 2018”, ông Sơn kiến nghị.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)