Theo cơ quan này, trong quý III/2018, sự sụp đổ của hàng loạt các mô hình cho vay trực tuyến, kéo theo các vấn đề khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tính mạng của người dân tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng, các công ty tài chính, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online), thường được biết đến với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).
Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác hợp tác với công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…) hoặc không được xác định như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn - được biết đến trên thế giới với tên gọi là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer).
Tuy nhiên, thực tế một số đối tượng cho vay trực tuyến là chủ tiệm cầm đố kết nối với doanh nghiệp chuyên về tư vấn tài chính (Fintech) liên tục mời chào người dân vay tiền online.
Anh Thy (quận Gò Vấp TP HCM) cho biết mỗi tháng anh nhận được 2 tin nhắn chào mời vay 4 triệu đồng từ phía Công ty TNHH một thành viên tư vấn tài chính LGC (doctordong.com). Nguyên nhân là vì cách đây 2 tháng anh có vay trực tuyến 1,5 triệu đồng doctordong.com nên công ty đã lưu trữ thông tin. Từ đó, doctordong.com tiếp tục tiếp thị nhằm quảng bá, tìm kiếm thêm người vay tiền.
Trước tình hình này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay. Cụ thể, do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn, trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…).
Mặt khác, bên cho vay thường có mối quan hệ với xã hội đen và có thể thuê đối tượng này đến tận nhà đòi nợ theo hướng bạo lực khi người vay chưa trả hoặc mất khả năng trả nợ.
Vì thế, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước khi vay tiền, người vay cần tìm hiểu bên cho vay là ai, thủ tục giải ngân như thế nào. Nhất là khi một số công ty tư vấn tài chính hợp tác với các đơn vị cầm đồ, người vay phải ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân, lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nhưng thực tế, các công ty này sẽ tính thêm các chi phí khác, như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… dẫn đến lãi suất và phí lên tới 700%/năm
Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người vay tìm hiểu và yêu cầu bên cho vay cung cấp tài liệu xác nhận về thời hạn được hủy giải ngân, quy định về chi phí và cách thức gia hạn khoản vay để có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có nhu cầu; chủ động tìm trên website hoặc đề nghị công ty tư vấn cung cấp mẫu hợp đồng và toàn bộ các điều kiện giao dịch kèm theo để nghiên cứu trước khi xác nhận giao dịch…
Sau khi ký, người tiêu dùng nên yêu cầu công ty gửi bản hợp đồng đã ký để lưu giữ và đối chiếu, sử dụng khi có phát sinh tranh chấp. Trường hợp phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn, quảng cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các hình thức phản ánh, khiếu nại có lưu vết tới công ty, như gửi email, gửi qua bưu điện có xác nhận chuyển phát.
Cuối cùng, cơ quan chức năng cũng lưu ý người dân dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.
Theo Thy Thơ (Nld.com.vn)