Chia sẻ với VnExpress ngày 8/7, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện, hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi (sẽ rút gọn từ 6 còn 5 bậc). Việc nghiên cứu thêm phương án giá điện bán lẻ sinh hoạt mới được cơ quan này đưa ra trước những phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao vừa qua và đề xuất từ phía người tiêu dùng "mong muốn có thêm phương án để lựa chọn".
Với phương án này, bất kể số tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang (dùng càng nhiều trả đơn giá càng cao như hiện nay).
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đơn giá trong trường hợp này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
"Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay, 1.864,44 đồng một kWh. Tuần sau Bộ sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay", ông Vượng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Công Thương, tính toán ban đầu cho thấy những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh, sẽ chọn phương án một giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70-80% tổng số lượng khách hàng có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang do vẫn được hưởng lợi hơn.
"Phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, những người thu nhập thấp sử dụng dưới 300 kWh vẫn có lợi hơn", ông nói thêm.
Nếu người sử dụng điện chọn phương án một giá điện, theo ông Vượng thừa nhận, "ít nhiều ảnh hưởng" khiến doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm sút. Song theo ông, xét tổng thể thì dù với phương án giá nào, tổng doanh thu trên số điện thương phẩm thì giá điện thu được cũng bằng giá bình quân của hệ thống điện để đảm bảo hài hoà lợi ích.
Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng biểu giá điện bậc thang, nhưng một số nơi tính theo giá cố định. Tại Singapore, giá bán điện sinh hoạt cho hộ gia đình chỉ có một mức duy nhất là 24,39 cent một kWh. Tuy nhiên, mức giá này được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần để phản ánh sự thay đổi chi phí của giá điện.
Ở Đức, giá điện không được Nhà nước quy định mà theo từng công ty cung cấp và chênh lệch giá giữa các công ty phân phối ko lớn. Ngoài tiền điện, mỗi năm người dân phải trả thêm khoảng 100 Euro cho tiền cung cấp đường điện và các dịch vụ khác. Tương tự ở New Zealand có khoảng 20 đơn vị cung cấp điện. Giá điện không tính theo bậc thang mà theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty cung cấp. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng với phí quản lý hàng ngày và chi phí khác.
Hoá đơn điện tháng 6 tăng cao khiến nhiều người dân bức xúc, trong đó việc vẫn áp dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang 6 bậc là một trong số nguyên nhân khiến tiền điện tăng nhiều hơn số điện sử dụng. Bởi, theo cách tính giá hiện hành, tiêu thụ từ 400 kWh trở lên sẽ bị tính đơn giá tối đa 2.927 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Cách đây gần một năm, việc thay đổi biểu giá điện sinh hoạt luỹ tiến đã từng được đặt ra và đầu năm nay, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về thay đổi biểu giá này, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Tuy nhiên, vì lý do Covid-19, cơ quan này báo cáo Thủ tướng xin hoãn lại việc sửa biểu giá tới cuối năm 2020.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)