Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng có trách nhiệm ban hành mẫu thẻ, mẫu trang phục cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nở rộ khi các mối quan hệ kinh tế ngày càng trở nên phức tạp (ảnh minh họa) |
Theo quy định mới tại Nghị định này, dự kiến lực lượng công an các cấp cũng sẽ thay Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định trong Nghị định này trong phạm vi thẩm quyền xử phạt được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định rất rõ, "những người không mặc trang phục, không đeo thẻ nhân viên theo quy định, không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan".
Dự thảo Nghị định cũng giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động.
Liên quan đến vấn đề "xử lý chuyển tiếp" giữa quy định hiện hành và quy định mới, dự thảo Nghị định nêu: Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mới được tiếp tục hoạt động.
Còn với các vi phạm đã được Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính xử lý và đã lập Biên bản thì Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính tiếp tục xử lý theo quy định.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)