2 lần xin tham gia đầu tư vào Nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP Group vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đầu tư Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Đây là lần thứ 2 trong khoảng 1 năm trở lại đây, IPP do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐTV xin tham gia đầu tư vào Nhà ga T3.
Ngoài IPP, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư khác xin tham gia đầu tư vào Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không này.
Cụ thể, tháng 3.2017, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương; Liên danh Công ty cổ phần Kết cấu thép Atad - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt Á đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT muốn được cùng ACV đầu tư vào việc xây dựng Nhà ga T3, T4 theo quy hoạch và chủ trương được phê duyệt.
Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 1.2017 Vietjet Air đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga T4 có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha.
Ngoài nhà ga T4, Vietjet cũng xin đầu tư Dự án Tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30 ha – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà ga hàng hóa công suất 300.000 ha/năm; khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.
Được biết, mới đây Bộ Quốc phòng đã thống nhất việc bàn giao khu đất 16,37 ha cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Khu đất này theo kiến nghị của AVC để đầu tư xây dựng nhà ga T3 (quốc nội) có tổng diện tích sàn nhà ga 100.000m2, gồm ga đi và ga đến tách biệt, công suất 20 triệu lượt khách/năm và các công trình phụ trợ như mở rộng sân đỗ máy bay, bãi đỗ xe, nhà để xe 13 tầng, đường dẫn, cầu cạn… Dự án có khái toán tổng mức đầu tư là 11.659 tỷ đồng với thời gian hoàn vốn khoảng 23 năm.
Nếu việc đầu tư được triển khai thực hiện thì sau khi mở rộng nhà ga T3, công suất cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ lên đến 45-50 triệu lượt khách/năm so với công suất 36 triệu lượt khách/năm vào cuối năm 2017.
Công ty ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi gần 900 triệu mỗi ngày
Thông tin đăng ký kinh doanh của Công ty XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) cho biết, Tập đoàn này đã tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ nắm giữ 1% số cổ phần trong công ty. Bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan) nắm giữ 59% cổ phần và hai con trai Philip và Louis nắm giữ lần lượt 20% cổ phần.
Khi thành lập năm 2002, IPP Group chỉ có vốn điều lệ 600 tỷ đồng và ông Johnathan nắm giữ 90% cổ phần, còn bà Thủy Tiên nắm giữ 10% cổ phần. Sau 33 năm, IPPG đã phát triển với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết.
IPP hiện là cổ đông lớn nhất tại Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh – nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, được đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018.
IPP cũng là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam cho 96 thương hiệu đẳng cấp thế giới về thời trang, rượu và thức ăn nhanh, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước
IPP Group cũng đầu tư và quản lý các trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng miễn thuế tại sân bay và đầu tư bất động sản khách sạn, casino, khu nghỉ dưỡng.
Đến nay, IPP Group dưới sự dẫn dắt của ông đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, doanh thu năm 2015 đạt hơn 480 triệu USD, mang đến hơn 22.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Ngoài IPP Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn từng sở hữu một công ty khác là Imex Asia Pacific International Limited. Cả 2 công ty này đều đăng ký trụ sở tại thiên đường thuế British Virgin Islands và có tên trong "Hồ sơ Panama".
Hiện IPP và các công ty liên quan nắm giữ hơn 40% cổ phần của công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO và ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch của công ty này
Trong những năm gần đây, hoạt động của SASCO ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận từ mức 146 tỷ đồng lợi nhuân trước thuế ghi nhận vào năm 2014 tăng mạnh lên 350 tỷ đồng năm 2017 sau khi sụt giảm xuống còn 84 tỷ năm 2015
Tương tự, lãi ròng của SASCO lần lượt đạt 112 tỷ, 12 tỷ, 234 tỷ và 290 tỷ đồng giao đoạn 2014 – 2017.
9 tháng từ đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lãi ròng tăng hơn 15% so với cùng kỳ, và đạt 240 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gần 900 triệu mỗi ngày.
Với mức lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt 279 tỷ, SASCO đã hoàn thành gần 84% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay.
Theo Huyền Anh (Dân Việt)