Bộ Chính trị đồng ý đầu tư công một số dự án cao tốc Bắc Nam

06/06/2020 20:39:52

Bộ Chính trị đồng ý điều chỉnh phương thức đầu tư một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam.

Theo thông báo nội dung cuộc họp của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ngày 5/6, một số dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ được điều chỉnh từ phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bộ Chính trị yêu cầu việc điều chỉnh này phải "bảo đảm minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án đối tác công - tư và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ".

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Ngày 14/5, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án PPP sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hôm 1/6, khi cho ý kiến lần hai vấn vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ nên chuyển 3 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công, nếu chuyển cả 8 dự án sẽ gây áp lực lớn cho ngân sách.

Bộ Chính trị đồng ý đầu tư công một số dự án cao tốc Bắc Nam
Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng. Ảnh: Võ Thạnh.

Cũng trong thông báo trên, Bộ Chính trị nêu rõ việc đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới; khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực.

"Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công", Bộ Chính trị yêu cầu. 

Cùng với đó, Bộ Chính trị chỉ đạo tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế... 

Về dài hạn, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia...; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới.

Các cơ quan chức năng hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước.

Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện kết luận và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)