Bỏ bạc tỷ mua condotel: "Chưa từng thấy cuốn sổ đỏ nào"

07/06/2017 13:49:00

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, tính pháp lý của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng condotel (căn hộ khách sạn) chưa rõ ràng. Bộ đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp bán condotel cho mượn xem sổ đỏ nhưng chưa được đáp ứng, mặc dù doanh nghiệp đầu tư phân khúc này luôn khẳng định condotel đã có sổ.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, tính pháp lý của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng condotel (căn hộ khách sạn) chưa rõ ràng. Bộ đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp bán condotel cho mượn xem sổ đỏ nhưng chưa được đáp ứng, mặc dù doanh nghiệp đầu tư phân khúc này luôn khẳng định condotel đã có sổ.

Đầu tư vào căn hộ khách sạn (condotel) đang là trào lưu mới trong giới địa ốc trong thời gian gần đây.

Trao đổi tại một hội thảo diễn ra tuần qua, ông Phạm Văn Thường, Trưởng Phòng Quản lý Nhà ở - Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho biết, Luật Kinh doanh Bất động sản chỉ quy định chung cho những giao dịch mua bán bất động sản, chứ không quy định riêng cho từng trường hợp bất động sản là condotel và officetel (căn hộ văn phòng) trong khi Luật Nhà ở chỉ quy định những vấn đề liên quan tới nhà ở.

Theo ông Thưởng, tính pháp lý của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng condotel (căn hộ khách sạn) chưa rõ ràng. Bộ đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp bán condotel cho mượn xem sổ đỏ nhưng chưa được đáp ứng, mặc dù doanh nghiệp đầu tư phân khúc này luôn khẳng định condotel đã có sổ.

"Chúng tôi đã báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng rằng đây là loại hình bất động sản mới mà Luật không quy định. Tuy nhiên, chúng tôi đi theo hướng nếu đó là nhà ở, thì cho phép đầu tư, chấp thuận đầu tư, xác định đó là nhà ở thì sẽ thực hiện theo Luật Nhà ở, còn nếu là dịch vụ thì thực hiện theo khách sạn", ông Thưởng cho biết.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng phân tích, nếu Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng khách sạn để cho thuê, thì doanh nghiệp không được làm condotel. Trong trường hợp cho thuê đất để xây dựng tòa nhà hỗn hợp (một phần làm khách sạn, một phần làm các căn hộ cho thuê, một phần làm căn hộ để bán condotel) thì doanh nghiệp được làm theo nội dung tương ứng.

"Căn cứ cao nhất là Nhà nước quyết định cho phép xây dựng cái gì. Từ đó, mới xác định được quyền sử dụng đất là lâu dài hay không lâu dài. Nếu là đất ở, sẽ được Nhà nước giao đất lâu dài. Nếu là đất thuê có thời hạn, giả sử tài sản trên đó được bán thì người sở hữu tài sản sẽ được thuê đất theo thời hạn thuê", ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cũng cho biết thêm, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ ra tiêu chuẩn xây dựng condotel cũng như quy chuẩn về nhà ở (có nhà ở diện tích nhỏ). Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chuẩn xây dựng cho condotel còn quyền sở hữu thì liên quan tới quyết định đầu tư cho phép như phân tích ở trên.

Căn hộ khách sạn (condotel) hiện tại là loại hình được ưa chuộng nhất trong các sản phẩm ngôi nhà thứ hai. Dự kiến, tính đến năm 2019, condotel sẽ chiếm 65% nguồn cung loại hình này tại các thị trường ven biển chính. Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều dự án được công bố, với sự cạnh tranh mạnh mẽ về quy mô cũng như những khoản cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Chủ đầu tư nhanh chóng đặt tên cho dự án của họ tại các địa điểm du lịch của họ là condotel.

Trao đổi về loại hình đầu tư này, ông Rudolf Hever - Giám đốc bộ phận Tư vấn Khách sạn, Savills châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, điểm cần lưu ý là phần “tel” (khách sạn) trong mô hình condotel. Trong hầu hết các trường hợp, có rất ít các yếu tố quản lý vận hành như khách sạn được cân nhắc phát triển cho thành phần này. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì chủ đầu tư khó có thể đảm bảo phần lợi nhuận đã cam kết. Để tạo nguồn doanh thu chi trả cho cam kết, condotel phải được vận hành hành như như khách sạn và đạt kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng.

Theo ông Rudolf Hever, các sản phẩm với chương trình cam kết này ngày càng trở nên rủi ro hơn cho người mua, do một số chủ đầu tư ít kinh nghiệm nhưng phát triển dự án với quy mô lớn mà không có nguồn ngân sách mạnh mẽ như vốn chủ sở hữu hoặc hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Các rủi ro này chủ yếu đến từ việc vận hành sau khi đã hoàn thiện xây dựng, và trong trường hợp mức cam kết lợi nhuận cao hơn dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về. Khi đó, chủ đầu tư cần phải bổ sung thêm nguồn vốn để đảm bảo cam kết. Hiện tại, tỷ lệ cam kết lợi nhuận tại Việt Nam hiện đang khá cao, một số dự án lên đến 12% trong 8 năm.

Trước đó, phát biểu tại một hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch TGĐ Công ty CP đầu tư và Phân phối DTJ - Chủ tịch liên minh sàn Giao dịch Bất động sản G5, cho rằng hiện nay, các thủ tục pháp lý liên quan đến loại hình condotel chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật liên quan. Việc cấp sổ đỏ cho condotel cũng còn nhiều điều bất cập bởi luật pháp hiện hành còn chưa có quy định cụ thể.

Theo ông Khánh, khi đầu tư condotel, chủ đầu tư thường đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nhưng hiện cũng còn khá nhiều yêu cầu về tính minh bạch cho những cam kết này. Đáng lưu ý, chưa nói tới các rủi ro bất định có thể xảy ra trong tương lai, các cam kết lợi nhuận được đưa ra trong bối cảnh chủ đầu tư thậm chí còn chưa chỉ ra được các chi phí cụ thể trong vận hành, hoạt động condotel.

Theo Phương Dung (Dân Trí)

Nổi bật