Tính đến nay, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 22%. Kể từ tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 440 triệu USD cổ phiếu. Con số này là 1 tỷ USSD năm 2017.
Trong quý I/2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,4%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Hãng tin Bloomberg cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump quá bận tâm với cuộc chiến thương mại Trung Quốc mà quên mất những nhà xuất khẩu như Việt Nam, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2 con số từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng vô cùng hứng thú với cổ phần của những công ty quốc doanh trong ngành giải khát, dầu khí hay tài chính. Trước áp lực nợ công, việc bán bớt cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước có thể giúp giải tỏa phần nào khó khăn. Năm 2017, Việt Nam đã thu 4,8 tỷ USD sau khi bán cổ phần của hãng bia Sài Gòn. Năm 2018, chính phủ dự định sẽ bán nhiều cổ phần gấp 6,5 lần so với năm 2017.
Tính thanh khoản của thị trường Việt Nam (hiện vẫn được xếp hạng là thị trường tiềm năng- Frontier Market) hiện nay còn tốt hơn cả Philippines, một thị trường đã được xếp hạng là thị trường mới nổi (Emerging Market). Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam nên được xếp vào nhóm các thị trường mới nổi của MSCI, nơi được các quỹ đầu tư với tổng tải sản hơn 1,6 nghìn tỷ USD theo dõi.
Thậm chí khi được nâng hạng, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ còn nhận được nhiều dòng vốn chảy vào hơn nếu giữ được các chỉ số tốt. Hiện Argentina, nước đứng đầu trong nhóm các thị trường tiềm năng của MSCI đang được xem xét để nâng hạng thì nước đứng thứ 2 là Kuwait đã được FTSE nâng hạng lên thành thị trường tiềm năng vào năm ngoái. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trong nhóm các thị trường tiềm năng của MSCI.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cho thấy một số rủi ro. Cả 15 cổ phiếu trong MSCI Vietnam Index đều có mức giá khá đắt. Chỉ số P/E 12 tháng bình quân của các cổ phiếu này đạt 30,5 lần trong khi con số bình quân của tất cả các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam chỉ vào khoảng 21 lần.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ngày càng bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, qua đó khiến các quỹ đầu tư lo ngại. Đầu năm nay, mối tương quan lợi nhuận hàng tuần giữa chứng khoán của Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng lên 67%, một dấu hiệu không khả quan lắm khi quan hệ Việt - Mỹ đang chịu một số tác động tiêu cực.
Nói cách khác, nếu chứng khoán Mỹ cảm lạnh thì thị trường Việt Nam cũng sẽ "hắt hơi".
Thị trường chứng khoán Pakistan là một ví dụ điển hình. Ít nhất khoảng 1 năm rưỡi trước khi thị trường này được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, các nhà đầu cơ đã bơm lượng lớn tiền đầu tư vào đây để rồi đẩy chỉ số chứng khoán nước này sụt giảm sâu sau đó.
Mặc dù tình hình kinh tế của Việt Nam tốt hơn Pakistan thời kỳ đó nhưng các nhà đầu tư cũng như cơ quan liên ngành cần cẩn thận bởi chỉ một yếu tố tiêu cực nhỏ, như chỉ số GDP không đạt mục tiêu, tỷ lệ lạm phát quá cao… cũng khiến các nhà đầu cơ "đổ hàng" nhanh chóng.
Theo AB ( Thời Đại)