Tiết kiệm thực phẩm
Gần đây, khách hàng tới nhà hàng thịt bò Chuiyan ở Trung Quốc phải cân trước khi được gọi món từ thực đơn. Sau khi cân, nhân viên nhà hàng sẽ đưa ra gợi ý thích hợp cho khách. Ví dụ, nếu là khách nam và nặng 80kg, nhà hàng sẽ khuyến nghị ăn thịt lợn kho. Nếu là khách nữ và nặng dưới 40kg, nhân viên sẽ khuyến khích ăn đầu cá và thịt bò rán.
Theo nhà hàng, mục đích của việc này là nhằm hướng khách hàng tới việc gọi những khẩu phần ít hơn, phù hợp với chiến dịch tiết kiệm thực phẩm do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Đầu tháng này, ông Tập đã gọi việc lãng phí thực phẩm là "đáng hổ thẹn", "xấu hổ" trong bài phát biểu nhằm nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng cần phải quan tâm tới an ninh lương thực hơn trong thời kì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, đây không phải lí do duy nhất khiến ông Tập khởi động chương trình tiết kiệm lương thực sau 7 năm. Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ là quốc gia có mức tiêu thụ lớn nhất thế giới, mà còn là quốc gia có lượng rác thải khổng lồ.
Trong nhiều thập kỉ trở lại đây, rác thải là vấn đề lớn đối với các lãnh đạo của Trung Quốc. Hủy bỏ một vài dự án trọng điểm, tăng cường quản lí rác thải chỉ đem lại hiệu quả nhất thời và không lâu dài. Các bãi rác thải ban đầu sẽ được bố trí tại phía ngoài thành phố hoặc thị trấn, nhưng thông thường rác sẽ không kịp chôn vì tốc độ rác tích lũy tăng quá nhanh.
Hai mục tiêu trong 1 chiến dịch
Vào những năm 1990, khi nhu cầu đất đai tăng cao, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu cho xây các lò đốt rác để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối của tầng lớp trung lưu vì những bất tiện do lò đốt rác gây ra.
Các thành phố lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư vào những cơ sở xử lí và lò đốt rác phức tạp hơn trong những năm gần đây. Các thành phố cũng chuyển sang chương trình chuyển đổi rác thải - đặc biệt là tái sử dụng - để quản lí rác hiệu quả hơn. Năm 2019, lần đầu tiên Thượng Hải bắt đầu chương trình yêu cầu công dân phân loại rác có thể tái chế.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những nỗ lực này không giải quyết được vấn đề. Để làm điều đó, Trung Quốc cần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm - tùy thuộc từng vùng, chiếm từ 50% tới 70% khối lượng rác thải ở Trung Quốc.
Thậm chí kể cả khi sử dụng phương pháp thống kê "bớt khắt khe" nhất, thì số lượng này cũng tương đương 15 triệu tấn thực phẩm bị bỏ phí hàng năm, đủ cho hàng chục triệu người sử dụng.
Hầu hết thực phẩm bị lãng phí do bị hư hỏng ở trên đồng ruộng, trên xe tải hoặc nhà kho chứa. Nhưng bên cạnh đó, 60% thực phẩm bị phí phạm do người tiêu dùng - kể cả ăn tại nhà hoặc ăn ngoài.
Thay đổi việc này không phải là điều dễ dàng. Bloomberg cho biết, người Trung Quốc thể hiện sự coi trọng thực khách bằng việc nấu nhiều đồ ăn hơn sức ăn của họ. Nếu không làm như vậy, khách có thể sẽ cảm thấy không được đón tiếp nhiệt tình. Tương tự như vậy, nhiều người đi ăn ngoài cũng không có thói quen xin hộp để mang đồ ăn thừa về, sợ rằng mọi người sẽ đánh giá họ không có đủ đồ ăn ở nhà.
Chiến dịch "Vét sạch Đĩa" năm nay của Trung Quốc có thể sẽ giảm lãng phí thực phẩm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để thực sự giảm thiểu tình trạng này, Trung Quốc cần hỗ trợ hàng trăm triệu người nông dân trong việc vận chuyển, xây dựng các kho chứa thực phẩm an toàn, hiệu quả và tránh lãng phí. Nếu có thể thực hiện được, thế hệ tương lai tại Trung Quốc có thể sẽ có đủ lương thực cũng như tránh được tình trạng rác thải quá nhiều.
Theo Tất Đạt (Tổ Quốc)