Trước khi bàn tới cơn bão tiền số (tiền mã hóa) đổ sập khiến nhiều cá nhân, tổ chức điêu đứng cách đây ít hôm - cần tìm hiểu một số khái niệm cơ bản về hoạt động tài chính này.
Bitcoin - tiền ảo và xu hướng làm giàu mới
Cryptocurrency hay tiền điện tử, tiền mã hóa, tiền thuật toán, tiền ảo... là thuật ngữ chỉ tài sản kỹ thuật số. Tương tự như USD hay VND, tuy nhiên chúng tồn tại trên môi trường số hóa, trao đổi qua internet.
Lịch sử: Sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2007 - 2008 (khởi nguồn từ nước Mỹ), tiền mã hóa được tạo ra như một cách để bất cứ ai cũng có quyền kiểm soát tiền của mình mà không cần phụ thuộc vào các công ty tài chính, ngân hàng hoặc chính phủ.
Theo Investopedia, tác giả của bitcoin (đồng tiền số đầu tiên trên thế giới, viết tắt là BTC) là một lập trình viên hoặc nhóm người lấy tên là "Satoshi Nakamoto", ngoài bitcoin, những loại tiền mã hóa khác được gọi là altcoin.
Cũng tương tự như sự đa dạng tiền tệ của các quốc gia, đến thời điểm hiện tại - trên thế giới có từ 5000 đến 8000 loại tiền mã hóa.
Song song với đó là hoạt động "trade coin" - tức việc giao dịch các đồng tiền mã hóa để sinh lời cho kẻ mua và bán (gọi là trader). Về cơ bản,giống như việc mua ra bán vào vàng, ngoại tệ hoặc cổ phiếu: Mua vào ở thời điểm giá thấp, bán ra khi giá lên cao sinh lợi nhuận.
Đó là lý thuyết căn bản nhất, còn sự thật lại không đơn giản như vậy.
Khái quát xu hướng trading, chơi coin của người Việt trong năm 2021
Bên cạnh chuyện có bao nhiêu ca mắc Covid-19 mới, showbiz có drama gì, bà nào tố ông nào... Thì nỗi đau đáu của người Việt trong nửa đầu năm 2021 vẫn là công ăn việc làm, có kênh đầu tư nào kiếm ăn không, làm gì ra tiền?
Đầu năm đến giờ, từ văn phòng đến quán trà đá, từ cà phê ra quán phở... Bất kể nam nữ hay các cô cậu đôi mươi, đâu đâu cũng thấy người ta rủ rỉ nhau về việc chơi coin, trading, lướt sóng kiếm tiền. Người thắng thì khoe nhân đôi, nhân ba vốn - kẻ thua than vãn việc cháy tài khoản, nợ nần lên xuống vì coin.
Đó là ngoài đời, trên MXH Việt Nam và các hội nhóm liên quan đến đầu tư sinh lời nhanh lại càng nóng bỏng.
Ví dụ: Trên forum công nghệ V có 1 tài khoản ẩn danh mà nhiều người tôn là huyền thoại, là sư phụ trong lĩnh vực trading: Bỏ vốn 700 triệu, lãi 10 tới 15 tỷ - theo lời chính chủ thì "cứ đà này 10 đời nhà em ăn cũng không hết!"
Một ví dụ khác cho thấy tiền số hot thế nào với người Việt: Lên Facebook gõ từ khóa "bitcoin" - sẽ cho ra ngay cả loạt hội nhóm tiếng Việt, hầu hết đều có trên 100.000 thành viên.
Chưa kể, một vài tấm gương trở thành triệu phú tiền số ở tuổi 18 - 20 khiến nhiều người mơ hồ tin rằng: Ai cũng có thể giàu nhờ trading khôn ngoan, kiên nhẫn theo đuổi rồi một ngày tiền sẽ rơi vào đầu như cậu trai dưới đây.
Tượng đài sụp đổ
Dù rất mới mẻ với cả thế giới từ năm 2009, nhiều người Việt nhạy bén đã bắt đầu đầu tư vào tiền mã hóa từ thời điểm đó.
Đến khoảng năm 2014, hầu hết các câu chuyện phiếm về đầu tư ít nhiều đều nhắc tới "tiền ảo, coin, chơi bitcoin" như một kênh đầu tư mạo hiểm, liều ăn nhiều dù không có quá nhiều người hiểu được bản chất của nó.
Cũng theo Investopedia, đồng bitcoin (BTC) được giới hạn khoảng 21 triệu đơn vị, có thể "đào" ra được nhờ máy tính mạnh có kết nối internet. Việc đào bitcoin sẽ ngày một khó khăn vì trữ lượng có hạn, do đó nhiều người chọn chơi theo kiểu "lướt sóng", mua qua bán lại để ăn chênh lệch khi có biến động giá.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng, tổ chức lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người dân để huy động vốn "đầu tư coin" rồi biến mất. Đây là hành vi lừa đảo và hầu như không liên quan gì đến thị trường tiền mã hóa.
1. Còn cái gì? - "Còn người, xe máy, chung cư, còn máy móc và đồ đạc có giá trị đã bán cả để trả nợ"
V., hơn 30 tuổi (Hà Nội) cay đắng kể lại câu chuyện của mình khi mất trắng tiền trăm, tiền tỷ vào việc dự đoán giá trị tiền mã hóa, hay còn gọi là đánh future coin, đánh "Long-Short"*.
"Thấm thía rằng cá nhân không thể đánh thắng được sàn, cờ bạc ai ăn nổi nhà cái" - Chia sẻ của V., người mất trắng vì coin.
Khi tập tành làm trader cách đây 1 năm, V. tự nhủ chỉ lướt sóng nhẹ nhàng, ngày kiếm 500 - 1 triệu là vui rồi. Đến đầu năm 2021, anh nổi lòng tham đâm đầu vào future coin.
*Future coin hay đánh "Long-Short" là gì?
Kiếm lời bằng việc dự đoán đà tăng hoặc giảm của coin dù không hề sở hữu 1 đơn vị tiền ảo nào (đánh với sàn trung gian). Ví dụ: Thời hạn dự đoán là 1 tuần, anh V. nhận thấy đồng A sẽ tăng nên đặt lệnh mua. Hết hạn tăng thật thì anh V. ăn về khoản chênh lên, nếu giá đồng A giảm thì mất luôn số giảm tương ứng.
Lệnh dự đoán tăng giá gọi là "Long", dự đoán giảm là "Short".
Về lý thuyết, người chơi có thể ăn chênh tới 125 lần tài khoản hiện tại và ngược lại chỉ sau 1 đêm, do đó các dân chơi còn gọi đây là "cờ bạc tốc độ cao". Hình thức này không dành cho người yếu tim vì dễ tức chết, cháy tài khoản trong chớp mắt.
Thấy bạn bè kiếm ác, theo kiểu 1 đêm 10 triệu vốn đã biến thành 20 - 30 triệu, V. nổi lòng tham và rơi vào trạng thái FOMO (sợ bỏ lỡ, khiến trader đưa ra quyết định sai lầm rồi mất trắng). V. cho rằng mình đã đi học trade lại thường xuyên được phím lệnh thì kiểu gì cũng ăn. Tóm lại, "chưa mất hết thì vẫn còn khả năng thắng".
Thời điểm nhảy vào future coin, V. gần như bị tiền rơi vào đầu rồi thuyết phục vợ rút nửa tỷ đang đầu tư chứng khoán chuyển qua trading vì lãi chậm quá. Rồi đến giữa tháng 5, giá trị của nhiều đồng tiền số rơi thẳng đứng, V. đâm thêm tiền vào gồng rồi lại chết sâu hơn.
Đỉnh điểm là tài khoản gần 30.000 USD (gần 700 triệu) chia đôi còn 15.000, chia đôi thêm lần nữa rồi cháy hết. Khi PV hỏi "hiện tại anh còn gì trong tay?" - V. đáp: "Anh còn người, còn xe máy với căn chung cư, những đồ đạc có giá trị và máy móc đã bán để trả nợ. Thấm thía rằng cá nhân không thể đánh thắng được sàn, cờ bạc ai ăn nổi nhà cái".
2. Cơn tham lấn áp lý trí và nỗi lòng khó đối diện người thân vì "sập coin"
Nhờ quen biết trên một hội nhóm chia sẻ kiến thức chơi coin, chị H. đồng ý trao đổi qua điện thoại với PV về câu chuyện giấu chồng nướng sổ tiết kiệm vào tiền số.
Chào H, cảm ơn chị đã đồng ý trả chia sẻ ẩn danh. Chị có thể giới thiệu qua về bản thân và hoàn cảnh hiện tại không?
Tớ 32 tuổi, ở Hà Nội, là dân văn phòng đã lập gia đình và có con nhỏ. Trước khi sập cuộc sống khá dư dả, cũng có tiền tỉ gửi ngân hàng, nói chung không phải lo nghĩ nhiều, còn giờ suy sụp.
Điều gì khiến chị tham gia vào thị trường tiền số?
Dĩ nhiên là vì tiền.
Quá trình đầu tư?
Có một hội bạn chuyên kiếm tiền online, hầu hết trong số đó đều có kênh đầu tư coin. Thấy chúng nó kiếm được nên mình cũng lân la đòi tham gia. Lần đầu vào 300 USD (gần 7 triệu đồng), chủ yếu mua ETH (Ethereum) đầu tháng 2, lúc đó thị trường bắt đầu nóng lên và thu hút rất nhiều F0* như mình, đồng nào có tiếng là vào.
*F0: Thuật ngữ vốn dành cho những nhà đầu tư chứng khoán tham gia lần đầu vào năm 2020, cũng để ám chỉ các trader lần đầu tham gia thị trường tiền số
Mấy hôm sau tài khoản X3, lên gần 1000 USD (khoảng 20 triệu đồng). Một là đang đà lên, hai là xung quanh có quá nhiều người ăn đậm, mình tự tin đâm thêm 100 triệu.
Đến đầu tháng 5, tài khoản nhân đôi thêm lần nữa, bạn hiểu cảm giác sung sướng đờ đẫn như lên đỉnh đúng không? Cứ thế cả tuần liền, mình thậm chí còn nghĩ đến nghỉ việc.
Nếu thế này thì em cũng muốn đầu tư, hồi sau thế nào chị?
Cơn tham lấn át thằng người, tớ giấu ông xã rút tiết kiệm đâm 1 tỷ vào Dogecoin* hôm 8/5. Đợt đấy đà lên quá mạnh, dự phải X3 nên mình liều.
*Dogecoin: 1 đồng tiền số bị cho là nhảm nhí nhưng giá trị tăng tới 11.000% (mười một nghìn phần trăm) tính từ đầu năm 2021 - tháng 5/2021. Người đứng sau loại coin thổi giá này là tỷ phú Elon Musk - kẻ chuyên đưa ra những phát ngôn kỳ lạ trên Twitter, khiến tiền số nhảy giá và cuối cùng giúp gã thu lợi.
Hôm sau (9/5), nó giảm sốc từ 0,72 xuống 0,5 USD/đồng, sụt tầm 30%. Từ 1 tỷ lỗ 300 triệu. Một đêm mất 2 trắng năm tiền tiết kiệm, vừa ngẩn ngơ tiếc vừa cay cú muốn gỡ, xã nó mà biết chắc chia tay.
Tớ bán hết Doge ôm tiền về nghe ngóng tiếp thì một lão trên nhóm phím cho con SHIBA INU, cũng hot, trong tháng 4 đã nhân mấy lần rồi. Lần này tớ cắt đôi vốn, đâm 350 triệu đúng hôm nó lên sàn (11/5).
Khốn nạn là vừa đâm thì nó tụt, tụt liên tục, anh em cứ nắm tay nhau bỏ thêm tiền vào gồng trung bình giá cắt lỗ.
Trung bình giá cắt lỗ là thế nào chị?
Đây, em mua vào 10, nó tụt xuống 7 thì tiếp tục mua vào 7. Nó mã hồi thì về bờ, có khi lãi to.
Tớ cứ mù quáng đâm thêm bắt đáy (mua vào khi giá xuống) với hi vọng con SHIBA INU sẽ tăng, ai ngờ nó giảm sâu hơn. Đến hôm 24, tài khoản chia 4,5 lần.
Tức là mất hết?
1 tỷ đầu tư Dogecoin, sập cú đầu còn 700 triệu rồi lại nướng vào đồng SHIBA INU. Sau khi tài khoản chia 5 xẻ 4, giờ chị còn hơn 100 triệu. Chưa biết phải đối diện với ông xã ra sao.
Theo anh V.A, một trader "lên voi xuống chó" liên tục 4 năm qua thì: Điểm khác biệt giữa trader lâu năm và đám newbie là:
- Người chơi lâu năm: Hold (giữ, không bán) đến chết, coi như không bận tâm đến khoản đó nữa, nó lên thì có tiền, chết cũng không tiếc nuối.
- Người chơi mới lao đầu vào: Thấy chết là bán tháo, cắt lỗ lấy tiền về - đúng kiểu hoảng sợ nó tụt thêm, mất thêm tiền, vớt lại được bao nhiêu hay chừng ấy.
Có thể tóm gọn thị trường trade coin 5 tháng đầu năm như sau: Từ tháng 1 tới tháng 5/2021, thị trường uptrend, hầu hết các coin đều đang sinh lời. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, các trader non trẻ bị sốc, dẫn tới hành vi "đu đỉnh bán đáy", bán thốc bán tháo những coin đang chịu lỗ. Kết quả, còn cái nịt.
Nếu bỏ chút thời gian dạo quanh những hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm, bạn sẽ bắt gặp những tâm sự cay đắng khác: Bán xe cộ, thậm chí có người tự tử vì không chịu nổi thua lỗ, nợ nần.
"Thắng là nhà đầu tư, thua là con bạc"
Về cơ bản, vì không có cơ chế quản lý đồng nhất - giá trị của tiền số phụ thuộc vào nhiều yếu tố: luật cung cầu, chính sách của mỗi quốc gia, phát ngôn của cá nhân chủ chốt trong các tổ chức tài chính...
Theo các chuyên gia tài chính của CMC Market, giao dịch (trading) tiền mã hóa có độ rủi ro rất cao và mang tính đầu cơ, có khả năng bị thao túng. Điều quan trọng là người tham gia phải hiểu được các rủi ro trước khi giao dịch. Trong 10 năm qua, không có gì lạ khi giá trị của tiền mã hóa tăng giảm nhanh chóng hàng trăm, hàng nghìn USD tính theo giờ, thậm chí là phút. Do đó, việc mất trắng chỉ sau 1 đêm là hoàn toàn có thể.
Với tiền mã hóa:
- Nó được coi là khoản đầu tư khi: Bạn hiểu biết sâu rộng về các thị trường, nắm bắt nhanh nhạy thông tin, chính sách và có tâm lý vững vàng
- Bị coi là đỏ đen, cờ bạc khi: Yếu tâm lý, giao dịch theo cảm tính, đổ tiền vào khi giá trị tiền số đang ở mức cao nhất (dễ dẫn tới đu đỉnh, sập không còn gì).
Ngoài ra: Việc làm giàu từ trao đổi, mua bán tiền mã hóa rốt cục là tiền từ túi người này nhảy sang túi người khác. Người này thành tỉ phú thì hàng ngàn, hàng triệu người tan cửa nát nhà.
Tóm lại, cuộc chơi này không chào đón tất cả, đặc biệt là người dễ dao động, ham giàu xổi. Nếu có tiền nhàn rỗi và muốn đầu tư sinh lời, hãy tham vấn chuyên gia quản lý tài chính để hoặc đầu tư vào các kênh an toàn, ít rủi ro hơn như: Bất động sản, vàng, chứng khoán, trái phiếu chính phủ...
Những nhà đầu tư lão luyện và chính phủ các nước nói gì về tiền mã hóa?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo: Tiền mã hóa là tài sản có tính đầu cơ cao và không hiệu quả trong tiến hành giao dịch, do đó bà bày tỏ quan ngại về những rủi ro thua lỗ mà các nhà đầu tư có thể gặp phải.
Chính phủ Ấn Độ cho biết: Sẽ sớm đề xuất dự luật cấm tiền ảo và xử phạt hành chính bất kỳ ai giao dịch tiền ảo trong nước. Dự luật của chính phủ Ấn Độ sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển giao tiền ảo. Đây sẽ là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới đối với tiền ảo.
Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại của nước Mỹ: Ông cho rằng tiền số, đặc biệt như bitcoin là "ảo ảnh", Buffett bi quan về tiền số và cảnh báo các nhà đầu tư nên tránh xa nếu không có hiểu biết.
Tỷ phú Bill Gates: Ông cho rằng bitcoin và tiền mã hóa nói chung không tạo ra giá trị, cũng như thề sẽ không sở hữu bitcoin. Gates cho rằng đổ tiền vào bitcoin có quá nhiều rủi ro.
Tỷ phú Mark Cuban trong chương trình Shark Tank bản Mỹ: "Tôi thà mua chuối chứ không mua bitcoin, ít ra chuối còn có giá trị nội tại. Bitcoin không phải loại tiền tệ đáng tin cậy". Ông cũng cho rằng, bitcoin và tiền số nói chung không thể thay thế tiền pháp định do các quốc gia phát hành.
Luật pháp Việt Nam đối với tiền số
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai."
Theo Điều 16, 17 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 quy định về đơn vị tiền, bitcoin không được xem là đơn vị tiền của nhà nước Việt Nam.
Sử dụng bitcoin có thể bị xử lý hình sự
Căn cứ điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, việc sử dụng bitcoin có thể bị xử phạt như sau:
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.
Căn cứ quy định trên, nếu tham gia mua bán Bitcoin thì được coi hành vi trái pháp luật, tùy từng mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Lan Hương (Nhịp Sống Việt)