Tiền điện tử Bitcoin và vàng vẫn luôn là vấn đề tranh cãi trong giới đầu tư. Vàng và Bitcoin giống nhau ở điểm số lượng giới hạn, cần được khai thác và giá trị phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Bitcoin liệu có phải là "vàng kỹ thuật số" thế hệ mới?
Các chuyên gia phân tích của J.P. Morgan nhận định “cuộc đua của Bitcoin với vàng đã bắt đầu”. Những nhà đầu tư trẻ tuổi có xu hướng thích đầu tư vào tiền kỹ thuật số hơn là mua vàng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định tiền điện tử có thể trở thành giải pháp thay thế vàng, cho những người tìm kiếm loại tài sản "độc lập, tách biệt khỏi hoạt động hàng ngày của các Chính phủ". Theo ông, tiền điện tử sẽ tồn tại như một loại vàng kỹ thuật số.
Lập luận cho rằng Bitcoin giống vàng là số lượng giới hạn, cần được khai thác và giá trị phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Bitcoin chỉ có thể tạo ra giới hạn 21 triệu đơn vị mã token kỹ thuật số. Tính đến 28.7, khoảng 18,77 triệu BTC đã được khai thác, trong đó 2,23 triệu Bitcoin sẽ được đưa vào lưu thông.
Nhiều người lại cho rằng Bitcoin không có giá trị nội tại. Khác với vàng có thể cầm nắm hay làm trang sức, Bitcoin vô nghĩa về mặt vật chất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu đã là "vàng số" thì điều kiện "cầm nắm" không thực sự quan trọng.
Bà Marion Laboure, chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng Deutsche Bank cho rằng: "Nếu Bitcoin được gọi là "vàng kỹ thuật số", thì Ethereum sẽ là "bạc kỹ thuật số"!”
Chưa đủ cơ sở để khẳng định về khả năng chống lạm phát của Bitcoin
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, vàng trở nên “lấp lánh” bởi đó được coi là kênh trú ẩn an toàn chống lại lạm phát. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, vàng đã mất tới 9% giá trị, nhiều yếu tố mới đang thách thức vị trí đặc biệt này của nó.
Trong khi đó, Bitcoin đang nổi lên như một hàng rào chống lạm phát. Không giống như USD hay bất kỳ loại tiền tệ thông thường nào khác, Bitcoin được thiết kế chỉ có nguồn cung hạn chế, vì thế không thể bị bất kỳ chính phủ hay ngân hàng trung ương của nước nào chi phối quá nhiều.
Vàng đã có mặt từ hàng nghìn năm nay như một tài sản an toàn và đáng tin cậy. Người ta tin tưởng vàng vì nó đã trải qua nhiều biến động của nền kinh tế và chứng minh được khả năng chống lạm phát. Còn Bitcoin mới xuất hiện và chưa được thử thách qua bất kỳ cuộc đại suy thoái nào. Nhiều người cho rằng, dịch COVID-19 sẽ là một bài kiểm tra đầu tiên cho khả năng này của đồng tiền điện tử.
Tuy nhiên, Bitcoin không giống như hầu hết các tài sản phòng ngừa lạm phát hiện có. Giá trị của nó hoàn toàn dựa trên sự sẵn lòng nắm giữ của người khác. Mã token này không bị ràng buộc với bất kỳ tài sản nào, chẳng hạn như dầu mỏ, bất động sản hoặc thu nhập từ một doanh nghiệp mà nó có thể tự mình tăng giá trị cùng với giá tiêu dùng. Lạm phát có thể tăng lên và Bitcoin cũng vậy.
Tính pháp lý chưa được đồng bộ
Hiện Bitcoin không được công nhận là hình thức thanh toán hợp pháp ở nhiều quốc gia. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương của nhiều nước đang siết mạnh Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Hai nguyên nhân chính được đưa ra là tiền điện tử làm ảnh hưởng đến trật tự kinh tế và tác động xấu tới môi trường do quá trình đào coin ngốn nguồn điện khổng lồ.
Mới đây nhất, sau thông báo Trung Quốc coi tiền ảo là bất hợp pháp, thị trường ngay lập tức đã "nhuốm đỏ" trong thời gian ngắn.
Theo Đức Mạnh (Lao Động)