Ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước gửi thông cáo báo chí nhằm khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) dẫn khoản 6 điều 4 nghị định 101 năm 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt quy định về phương tiện thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNNVN.
Khoản 7 điều 4 nghị định cũng nêu rõ phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định điều 6.
Cũng theo NHNNVN, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Ngoài ra từ ngày 1/1/2018 hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 bản sửa đổi bổ sung năm 2017.
Bitcoin là hàng hay là tiền?
Trả lời Zing.vn ông Trịnh Minh Phúc, đồng sáng lập Bitcoin Việt Nam với thời gian hoạt động 4 năm trong lĩnh vực giao dịch này cho biết "luật này đã có từ năm 2012, NHNNVN chỉ nhắc lại chứ không phải quyết sách mới. Việc nhắc lại này chỉ nhằm khẳng định Bitcoin không phải là loại tiền tệ hợp pháp.
Việc thanh toán các trao đổi hàng hoá và dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải được niêm yết bằng đồng nội tệ VNĐ. Ví dụ nếu niêm yết hàng hóa tại Việt Nam bằng USD hay Bitcoin là vi phạm luật này".
"Khi chưa có quy định rõ Bitcoin là tiền hay là hàng và chưa quy định rõ Bitcoin có phải là một phương tiện thanh toán bị cấm thì việc thanh toán qua Bitcoin hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của Ngân hàng Nhà Nước", ông Phúc cho biết thêm.
Ông Phúc ví von Bitcoin với việc ông A đưa 10 kg gạo cho bà B để đổi lấy 10 con gà. Phương tiện thanh toán ở đây là gạo và gà hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của Ngân hàng Nhà Nước vì gạo và gà không phải là một phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam. Có thể hiểu việc mua Bitcoin cũng tương tự mua Vcoin, Paypal, thẻ cào điện thoại...
Về phía người đầu tư thiết bị đào Bitcoin, tâm lý lạc quan ấy cũng tương tự. "Khai thác tiền ảo bằng máy tính cũng như việc giải mã, cày game... rồi bán kiếm tiền. Bitcoin trong trường hợp này là tài sản, hàng hóa điện tử chứ không phải thay thế tiền tệ để giao dịch", anh Vinh (Gò Vấp, TP.HCM), một người đào tiền ảo cho biết.
Các sàn giao dịch cũng phản ứng một cách bình thản trước thông tin này. "Sàn của chúng tôi không phải là sàn thuộc Việt Nam. Chúng tôi hoạt động tại nước ngoài", đại diện sàn Remitano, một trong những kênh mua bán Bitcoin lớn của người Việt trả lời.
Nhiều người chơi tin tưởng vào việc Bitcoin là loại tiền ảo, không chịu sự quản lý của chính phủ và quốc gia nào. Vì thế việc cấm giao dịch công khai có thể dễ thực hiện nhưng giao dịch ngầm là điều khó kiểm soát được.
Tuy nhiên, sàn giao dịch Bitcoin Việt Nam lại cho rằng việc chuyển tiền với số lượng lớn ra nước ngoài cũng rất khó vì Bitcoin Việt Nam ghi lại tất cả các thông tin giao dịch và người chuyển tiền. Bất kỳ ai có ý định sử dụng Bitcoin Việt Nam cho mục đích phi pháp đều sẽ bị doanh nghiệp này phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra.
Lạm phát, rửa tiền, tội phạm
“Nếu Việt Nam có thêm một đồng tiền là Bitcoin với đầy đủ chức năng của một đồng tiền sau VND và các ngoại tệ mạnh được thừa nhận thì NHNNVN sẽ rất khó điều hành chính sách tiền tệ, không khác gì tình trạng “USD hóa” hiện nay”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright từng chia sẻ với VNEconomy về tác hại nếu loại tiền ảo này được hợp thức hóa.
Việc này đồng nghĩa Bitcoin sẽ chia sẻ quyền lực thanh toán với VND. NHNNVN chỉ có thể tác động lên VND. Vì vậy nếu muốn thay đổi, điều phối tiền tệ sẽ chịu phụ thuộc ít nhiều vào Bitcoin.
Tổng lượng tiền Bitcoin có thể khai thác được tối đa là hữu hạn với 21 triệu BTC, nếu thừa nhận lưu thông, nó sẽ có đời sống như tiền thật.
"Loại tiền này được ưa chuộng cho các thanh toán nặc danh và không chịu quản lý của bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào. Vì thế nguy cơ rửa tiền, "chảy máu" tiền tệ hay sử dụng cho hành động phạm pháp như vụ WannaCry là điều khó có thể ngăn cản được", Trường An, nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh), chỉ cần người dùng không niêm yết giá sản phẩm bằng Bitcoin thì họ hoàn toàn không phạm pháp.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)