Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang tập hợp, củng cố hồ sơ liên quan đến các tổ chức, cá nhân người Việt có tên trong hồ sơ Panama.
Ông Dũng nói thêm, Thủ tướng hiện chưa có chỉ đạo gì về việc này. Tạm thời Chính phủ đang tập hợp, củng cố hồ sơ.
“Cứ bình tĩnh để có căn cứ xem xét mọi việc. Phải rất thận trọng chứ không nóng vội được đâu”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Công Khanh |
Trong khi đó, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an đề nghị Chính phủ phải tỏ rõ thái độ với chuyện này.
Chính phủ cần khẳng định việc này Việt Nam sẽ làm đến cùng, giao trách nhiệm cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì việc này, cần phối hợp với đơn vị nào thì đề xuất và phải giao thời hạn chót báo cáo kết quả rõ ràng.
“Thủ tướng cần quy rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào. Không thể nói chung chung là các cấp, các ngành được, vì cuối cùng chẳng có ai chịu cả”, tướng Cương nói.
Theo ông Cương, việc xác định thông tin của các tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama không khó. Tại các nước Pháp, Anh… chính quyền chủ động liên hệ với bên nắm giữ hồ sơ này để lấy thông tin.
Trong khi đó, tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, "các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời, bằng chứng là Tổng Cục thuế đã vào cuộc".
Theo ông Tín, sau khi cơ quan thuế làm xong nhiệm vụ của mình, nếu có gì đặc biệt họ sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Còn hiện tại để đưa ra nhận xét cho vấn đề này là quá sớm, chúng ta nên chờ đợi kết quả của cơ quan điều tra rồi mới có những nhận xét đúng mực.
Nhà đầu tư đón nhận thông tin bình tĩnh
Ở góc độ kinh doanh, vị chuyên gia ngân hàng này cho rằng việc doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đầu tư, làm ăn ra nước ngoài là bình thường, cần bình tĩnh nhìn nhận.
Vấn đề cần phải lưu tâm đầu tiên là chưa thể khẳng định những cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách này họ có trốn thuế hay không.
Hơn nữa, việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài là đáng hoan nghênh. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, chuyện làm mở rộng đầu tư ra các thị trường khác là đương nhiên, không có gì ồn ào.
Trước khi đầu tư người ta đã lập dự án và trình các cơ quan bộ ngành. Sau khi hoàn tất thủ tục thì doanh nghiệp sẽ phải hoàn thiện pháp lý tại nước sở tại và tiếp tục hoạt động đầu tư. Nên chuyện phi pháp hay các hoạt động rửa tiền, trốn thuế cũng không thể nhìn nhận, phán đoán chủ quan.
Vị này cũng thông tin, qua theo dõi tình hình thị trường 2 ngày nay, từ khi hồ sơ liên quan đến các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam được công bố, ông nhận thấy mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Bằng chứng là trên thị trường chứng khoán không có diễn biến bất thường nào về giá, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn rất bình tĩnh để chờ đợi kết quả của cơ quan điều tra.
“Góc độ kinh tế và đầu tư tài chính thì tôi thấy chẳng có gì phải ồn ào về những hình thái đầu tư này. Ở tất cả các nước khác, khi thông tin được công bố thì cơ quan chức năng đều vào cuộc điều tra, đó là nhiệm vụ của họ. Ở Việt Nam cũng không có gì khác. Chúng ta hãy đón nhận một cách bình tĩnh, khách quan, không nên có những phán đoán gây tổn hại đến úy tín cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tín nói thêm.
Khó xử lý
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh |
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng rất khó để xử lý việc này.
“Việc xem xét các cá nhân thuộc hồ sơ Panama trên có vi phạm hay không không hề đơn giản. Nhiều quốc gia có quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về giấy tờ, thủ tục, luật lệ cũng khó để truy xuất tài liệu chứng cứ có giá trị pháp lý, làm căn cứ xử lý chứ không chỉ riêng Việt Nam”, luật sư này cho biết.
Hơn nữa, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, việc này chưa có “tiền lệ công khai” nên cũng khá khó khăn cho giới chức Việt.
Đáng lo ngại hơn cả là ở các “thiên đường trốn thuế” nhiều khi không có bất kỳ cơ sở dữ liệu nào mang tính pháp lý để làm cơ sở điều tra theo pháp luật Việt Nam.
“Những tài liệu này mang tính tham khảo, cảnh báo để các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét, đưa vào diện kiểm soát, giám sát, chứ để xử lý vi phạm tôi e là khó”, ông Truyền nêu quan điểm.
Theo Kiều Vui - Bình Nguyên (Zing.vn)