Những năm gần đây, Bình Phước “nở rộ” phong trào nuôi chim yến vì đây là nghề siêu lợi nhuận, nó mang về thu nhập bình quân hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc tự phát nuôi yến ở khu dân cư gây phiền toái cho người dân, trong khi cơ quan chức năng chưa có chế tài quản lý và chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến, tập trung chủ yếu ở thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú... Các nhà nuôi yến thường kết hợp với nhà ở và công trình dân dụng khác trong khu dân cư, nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh, nhất là tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim yến. Mặt khác, nuôi chim yến trong khu dân cư còn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi…
Việc xây nhà nuôi yến tự phát dễ mang đến nhiều rủi ro cho người nuôi. Bởi nghề này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, có thể tính đến tiền tỷ cho việc xây nhà nuôi yến, mua thiết bị âm thanh, chất dẫn dụ… Do quá kỳ vọng vào lợi nhuận đem lại của việc nuôi chim yến, nhiều người đã vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản để đầu tư. Tuy nhiên, đặc tính của loài chim yến là sống ở môi trường thiên nhiên nên không thể kiểm soát đàn. Từ đó, một số hộ đầu tư xây nhà bạc tỷ mà không dẫn dụ được đàn yến vào, hoặc có yến vào rồi lại bỏ đi.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, việc các hộ dân tự phát nuôi chim yến gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, do chưa có quy trình, quy chuẩn trong xây dựng nhà yến nên công tác quản lý và cấp giấy phép nuôi nhà yến còn gặp khó khăn.
Thời gian tới, để nghề nuôi yến phát triển lâu dài, bền vững, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Chăn nuôi, phát triển vùng nuôi chim phù hợp, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh thú y, môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở và sản phẩm tổ yến.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cho biết, Sở đang tham mưu UBND trình HĐND tỉnh dự thảo về quy định nuôi chim yến trên địa bàn. Cụ thể, các cơ sở phải có trang thiết bị nhà xưởng, có quản lý theo dõi, được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Việc sử dụng loa phóng âm thanh dẫn dụ chim yến cũng phải quy định theo khung giờ nếu ở khu dân cư.
“Sở đang tham mưu theo hướng không được nuôi chim yến ở đất quy hoạch công nghiệp, đất an ninh quốc phòng. Còn lại sẽ cho người dân nuôi nhưng có điều kiện, phải cách khu dân cư tập trung, khu phố tập trung 300m trở lên. Hiện nay, vùng ven đô thị của Bình Phước đất còn rộng nên đang nghiên cứu theo hướng phù hợp với thực tiễn vì chim yến thích ở trung tâm”, ông Phương cho biết./.
Theo Thiên Lý (Vov.vn)