Thông cáo phát chiều 11/2 của VEC cho rằng việc tổ chức thu phí, giám sát doanh thu trên các đường cao tốc của doanh nghiệp này công khai, minh bạch. Đây là động thái của doanh nghiệp phản hồi lại khi có dư luận trên mạng xã hội sau khi trạm thu phí của VEC bị cướp 2,2 tỷ đồng vào ngày 7/2.
Cụ thể, sau vụ cướp tiền vào ngày 7/2 (mùng 3 Tết Kỷ Hợi) tại trạm thu phí Dầu Giây trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), một số thông tin trên mạng xã hội nghi ngờ về tính minh bạch trong doanh thu thu phí của đơn vị này khi số tiền mặt bị chiếm đoạt được cho là quá lớn so với một ca trực.
Trong thông cáo, VEC cho rằng mình là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 2004 để xây dựng các tuyến đường cao tốc. Hiện VEC làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án này không phải là các dự án BOT.
Hiện tại, các đơn vị thành viên của VEC thu phí trên 4 đường cao tốc. Thời gian làm việc của nhân viên thu phí chia làm 3 ca/ngày đêm. Số tiền thu được trong ca làm việc được đối chiếu, chốt lại giao cho thủ quỹ trạm thu phí...
Thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tiền thu phí trước khi bàn giao cho ngân hàng theo định kỳ 1 ngày/lần; đối với các ngày lễ, tết là 2 ngày/lần hoặc theo yêu cầu của VEC.
Hàng ngày và hàng tháng, các đơn vị được VEC giao thu phí trên các tuyến cao tốc đều có báo cáo về lưu lượng và doanh thu từng trạm thu phí gửi về VEC. Định kỳ hàng quý, VEC báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về lưu lượng và doanh thu của các tuyến cao tốc.
Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24 giờ, qua nhiều khâu từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn đến giám sát qua hệ thống camera và phần mềm giám sát, bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại.
VEC khẳng định công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch.
Trước đó ngày 7/2, hai nghi phạm mang theo súng và mã tấu đến trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau đó đánh gục nhân viên và cướp đi số tiền mặt trị giá 2,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi nghi phạm giấu tiền ở nhà người quen, người này khi biết tin về vụ cướp ở Trạm thu phí Dầu Giây (trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) đã mang số tiền hơn 1 tỷ đồng đến giao nộp cho công an.
Ngày 10/2, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, quê Nam Định) và Trần Tuấn Anh (26 tuổi, quê Tiền Giang) về hành vi Cướp tài sản.
Từ con số 2,2 tỷ này, nhiều ý kiến tính toán, trong 1 ca (8 giờ), trạm thu phí này thu được hơn 3 tỷ đồng, vậy với 3 ca/ngày, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có thể thu được số tiền lên đến 8 - 9 tỷ đồng. Chưa kể thời điểm sau 30 Tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít, vậy ngày bình thường số tiền thu được sẽ còn cao hơn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN - VEC E, tổng kết 2018 công ty này thu được 1.100 tỷ đồng tiền thu phí, tính ra trung bình 1 ngày bình thường công ty thu toàn tuyến khoảng từ 3,3 - 3,4 tỷ đồng, cao điểm lễ, tết mỗi ngày có thể thu khoảng 5 - 6 tỷ đồng.
Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)