Giai đoạn từ năm 2019 đến đầu năm 2022 thị trường bất động sản tại nhiều khu vực diễn biến sôi động. Lúc này, là thời của người có bất động sản khi liên tục hét gia cao, thậm chí thay đổi theo ngày nhưng vẫn có nhiều khách hàng săn đón. Đồng thời, những nhà đầu tư mua được bất động sản lúc này cũng đều nhanh chóng có lãi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng sau mỗi thương vụ giao dịch.
Tuy nhiên, trước nhiều tác động, đến tháng 5/2022 thị trường đột ngột “quay xe” hạ nhiệt. Đến nay thị trường bất động sản vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, tình trạng người bán nhiều hơn người mua xảy ra, giá bán liên tục giảm sút. Theo đó, thị trường hiện tại đã đổi vai sang người mua cầm trịch khi có lợi thế tiền mặt và có nhiều lựa chọn. Thế nhưng không ít người mua hiện nay “mạnh tay” ép giá khiến các chủ nhà chán ngán mời cả môi giới và khách ra về.
Anh Trọng Nghĩa, môi giới bất động sản tại Hà Nội kể lại: “Đầu tháng 5, tôi được chủ nhà nhờ bán căn biệt thự tại khu đô thị có tiếng trên địa bàn quận Tây Hồ, nội thất đã được hoàn thiện toàn đồ cao cấp có giá trị. Căn biệt thự này có diện tích 140 m2 chủ nhà muốn bán với giá 40 tỷ đồng, đã giảm khoảng 6 - 8 tỷ so đầu năm ngoái. Do chủ nhà cần tiền xử lý công việc gấp nên mong muốn sẽ bán nhanh và có thể giảm thêm chút ít nếu người mua chốt nhanh chóng”.
Anh Nghĩa nhanh chóng tìm được khách hàng quan tâm tới căn biệt thự và hẹn lịch đi xem. Khi tới xem tận nơi, người mua tỏ ra khá ưng và rất muốn sớm gặp chủ để thương lượng về giá.
“Vì giao dịch cần hoàn tất nhanh chóng nên tôi đã đưa khách hàng tới tận nhà của chủ để dễ thống nhất. Tuy nhiên, khách hàng chốt căn biệt thự với giá 35 tỷ đồng, tức giảm 5 tỷ so với giá chủ đưa ra. Đồng thời, khách hàng còn nói thêm: “Bây giờ có người mua cho là tốt rồi!”.
Mặc dù đang cần tiền nhưng căn biệt thự bị ép giá quá sâu, chủ cảm thấy không phù hợp với giá trị của sản phẩm nên rất bức xúc. Ngay lập tức, chủ nhà mời cả tôi và khách hàng ra về, từ chối đàm phán thêm. Đồng thời chủ nhà cũng yêu cầu tôi không được rao bán căn biệt thự này tiếp”, anh Nghĩa kể lại.
Theo người môi giới này, thực tế hiện nay bất động sản đang trong tình trạng giảm giá, song không phải phân khúc nào cũng giảm giá sâu. “Nếu đất nền tỉnh hoặc các khu vực chưa hình thành khu dân cư việc giảm giá 20 - 30%, thậm chí đến 50% so với lúc sôi động là có xảy ra. Với các sản phẩm đất nền, shophouse, biệt thự, nhà phố… tại nội đô cũng có xảy ra hiện tượng giảm giá nhưng không quá sâu mà chỉ ở mức khoảng 5 - 10%. Đồng thời, những chủ cần tiền khách có thể thương lượng nhưng chỉ giảm không nhiều”, người này nói
Việc khách mua ép giá người bán thời điểm hiện tại không hiếm trong thời gian gần đây khiến một số chủ bất động sản tỏ ra bức xúc. Trước đó, một chủ đất tại Hải Phòng đã phải treo biển khẳng định không bán giá thấp hơn.
Cụ thể, lô đất này có diện tích 45m2 tại mặt đường Trần Bá Lương đang được rao bán với giá 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đất bị mặc cả xuống 1,6 tỷ đồng. Cùng đó, chủ đất còn khẳng định, không bán giá dưới 1,65 tỷ đồng.
Thực tế, trên thị trường hiện nay vẫn xuất hiện một bộ phận chủ bất động sản không gặp phải áp lực tài chính lớn, sản phẩm nằm ở vị trí có tiềm năng dài hạn họ không chấp nhận giảm giá sâu, thậm chí giữ giá. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao.