Bà Đặng Thị Hoàng Yến (sinh năm 1959) là người lập ra CTCP đầu tư công nghiệp Tân Tạo từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty kể từ năm 1996 tới nay. Cùng với em trai là ông Đặng Thành Tâm, cặp chị em doanh nhân này từng được gọi là "ông hoàng, bà hoàng khu công nghiệp".
Bà Hoàng Yến 3 năm liền có mặt trong danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010). Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trong danh sách năm 2007.
Một trong những câu nói nổi tiếng của bà Yến là: "Kinh doanh ví như một cánh cửa đóng chặt, chỉ cần tìm được kẽ hở cho một sợi tóc chui lọt thì tôi sẽ tìm được cách mở tung cách cửa để bước vào".
Đặng Thị Hoàng Yến từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Long An từ năm 2011 trước khi bị bãi miễn chức danh đại biểu Quốc hội Việt Nam năm 2012. Sau đó, bà Yến sang Mỹ và đổi tên thành Maya Dangelas.
Từ đó, suốt nhiều năm, nữ doanh nhân này đã "biến mất" bí ẩn, cho đến năm ngoái mới bất ngờ xuất hiện... qua màn hình online tại Đại hội cổ đông của Tân Tạo. Năm nay, tại đại hội cổ đông 2021, bà Yến cũng xuất hiện online với cái tên mới Maya Dangelas.
Nhưng không chỉ vậy, mới đây, bà Yến tiếp tục có một buổi chia sẻ online với chủ đề "Bí quyết kinh doanh tại Hoa Kỳ".
Theo bà Yến, Việt Nam là đất nước có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp cho tất cả mọi người, còn ở Hoa Kỳ lại rất hiếm. Tuy nhiên, khi tìm được cơ hội để phát triển thì có thể yên tâm về con đường thênh thang rộng mở.
Làm sao để tìm kiếm cơ hội?
Đối với những người đã thành đạt tại Việt Nam và muốn khởi nghiệp tại Hoa Kỳ, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng, nếu đã thành công tại Việt Nam từ hai bàn tay trắng, bằng khối óc và mồ hôi nước mắt của chính mình thì bà tin chắc rằng những đối tượng này sẽ thành đạt tại Hoa Kỳ. Bởi Việt Nam là nơi có nhiều thử thách lớn mà hiếm quốc gia nào có được.
Có một thực tế rằng, người Việt Nam khi sang bên Mỹ luôn co cụm lại trong cộng đồng của mình, nhưng theo bà Yến đó là điều không nên, bởi nước Mỹ rộng lớn là thị trường chúng ta phải nhắm vào; và nếu đã am hiểu thị trường Mỹ rồi thì đó là một thị trường rất dễ nắm bắt.
Bà Yến nói, với đối tượng là sinh viên thì nên tìm các trường Đại học nhỏ nhưng ở các thành phố lớn để xin học bổng, tạo cơ hội cho mình có thể vừa học vừa đi làm thêm. Trong môi trường của những trường Đại học nhỏ, giáo viên có sự quan tâm sát sao hơn và sự cạnh tranh giữa các sinh viên cũng không khốc liệt như các trường lớn.
Nếu các em học sinh muốn đi bằng con đường học vấn và khởi nghiệp tại Hoa Kỳ thì điều tiên quyết là phải phấn đấu để trở thành top 10 của trường đó, đây là bước đệm để vào những trường Đại học lớn hơn.
Trong thời gian học tập, các em nên tự nguyện làm các công việc ở trường, thậm chí không được trả lương hoặc tìm những công việc ở quán cà phê, văn phòng, thư viện,... Điều này giúp các em có thêm kinh nghiệm, đồng thời sẽ được cấp số an sinh xã hội - một thứ thiết yếu để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ công dân. Từ đó, các em có thể xây dựng chỉ số tín dụng cho cá nhân mình - nền tảng cho quá trình khởi nghiệp sau này.
Làm sao để khởi nghiệp ở Mỹ?
Điều đầu tiên là tìm hiểu về nền văn hóa tiêu dùng, dân số và hơn nữa là đối tượng mục tiêu. Ở Mỹ, sự phân hóa giàu nghèo không giống như Việt Nam mà rất rõ rệt. Nếu muốn khởi nghiệp, thì đối tượng ngày từ đầu phải xác định nhắm vào là thượng lưu, trung lưu hay under-served (thu nhập thấp)?
Mặt khác, người Mỹ cũng rất dễ tính. Ví dụ, một cửa hàng nào đó dù mới mở nhưng giá rẻ hơn họ vẫn sẽ tới để thử, và sau đó họ có quay trở lại hay không lại phụ thuộc vào chất lượng và phục vụ của bạn. Văn hóa người Mỹ là sẵn sàng thử những cái mới dù nó chỉ có một chút lợi ích là giá thành rẻ hơn.
Nhưng văn hóa ở Việt Nam là đã quen với cửa hàng, cách phục vụ và sản phẩm của nơi nào đó rồi thì dù nơi khác có rẻ hơn họ cũng không quan tâm.
Rất nhiều tiệm ăn, cửa hàng ở Mỹ đã mua lại những địa điểm đã từng kinh doanh thất bại, phá sản,... để khởi nghiệp. Kết quả, cùng những khuyến mãi trong thời gian khai trương và sau 2 tháng đã đông nghịt khách,... kể cả trong mùa COVID một số tiệm ăn đã đóng cửa hoặc vắng khách thì các tiệm này vẫn phải xếp hàng dài ở bên ngoài. Chính chất lượng tốt, giá rẻ và phong thái phục vụ chuyên nghiệp sẽ giữ chân khách hàng.
Sự khác biệt của Texas và California, làm thế nào chọn được nơi "đất lành chim đậu"?
Sang Mỹ lập nghiệp, nên chọn nơi nào được coi là "đất lành chim đậu"? Rất nhiều người sẽ dựa theo cảm tính, có người quen, khí hậu tốt,... nên người Việt đổ xô về California vì nơi đó khí hậu đẹp và đông người Việt Nam sinh sống.
Kinh nghiệm từ bản thân Đặng Thị Hoàng Yến, nếu kinh doanh nhỏ thì không bàn tới nhưng với mong muốn khởi nghiệp ở tầm cao mới thì việc chọn sai nơi lập nghiệp có thể dẫn đến những thất bại đau đớn.
Khi bà Yến sang Mỹ từ 1995 để tìm hiểu và tới năm 2002 chính thức ở đây, bà đã đi rất nhiều bang và cuối cùng chọn Texas - bà thầm cảm ơn vì lựa chọn ấy quá chính xác. Khi đó, Đặng Thị Hoàng Yến đã thành công ở Việt Nam rồi và bà sang đây tiếp tục đi theo con đường phát triển hạ tầng và bất động sản của những khu dân cư.
Theo bà, Texas đúng là thiên đường với những nhà lãnh đạo rất có tầm nhìn xa trông rộng. Khi bà bắt đầu phát triển khu dân cư đầu tiên, lúc vừa hoàn thiện được cơ sở hạ tầng và bán được 20% thì chính phủ tiểu bang Texas đã cho bà 500.000 đô, tương đương toàn bộ số tiền bà dùng để xây dựng, điện, nước,... Tất cả những thủ tục về hành chính, giấy phép, duyệt quy hoạch làm rất nhanh.
Tuy nhiên, doanh nhân này lại quá ngây thơ khi nhận định tất cả các tiểu bang đều như nhau nên sau khi thành công các dự án phát triển single-family home (nhà biệt lập cho một gia đình) tại Texas thì bà mới mở rộng sang California.
Thế nhưng, cũng 1 dự án như bên Texas bà đã làm xong và bán hết sạch sành sanh rồi thì ở Cali 6 năm vẫn chưa xong thủ tục. Ở Texas, sau khi quy hoạch, được phân lô xong, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư đã được phép ký bán để khách hàng đặt cọc, sau đó dùng số tiền đó để tiếp tục vay vốn làm hạ tầng; còn bên Cali thì không được phép như thế, chỉ khi làm xong hạ tầng, có giấy phép mới được phép bán.
Lời khuyên bà Yến đưa ra là trước khi muốn khởi nghiệp hay làm ăn lớn phải suy nghĩ thật kỹ. Vốn liếng không có nhiều thì phải hết sức thận trọng nếu không sẽ phá sản như chơi.
Tuân thủ pháp lý và tuyệt đối không lách luật
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, ở Mỹ rất sợ sở thuế. Người Mỹ có câu, nếu muốn sống bình an ở đây thì trong gia đình phải có bác sĩ gia đình, nha sĩ và người khai thuế.
Trong kinh doanh, nên có CPA (người khai thuế) để hiểu rõ chính sách thuế, tuyển dụng, lao động, nghĩa vụ thuế, thuế của liên bang, tiểu bang, thuế đóng trợ cấp thất nghiệp,... bởi vì vi phạm thuế có thể sạt nghiệp và thậm chí đi tù, bị phạt rất nặng.
Nếu mang tư duy lách luật sang bên Mỹ sẽ thất bại ngay từ đầu. Vậy nên, khi gặp bất cứ trở ngại nào, phải vận dụng tất cả những gì luật pháp cho phép để làm theo luật bằng trí tuệ, sự sáng tạo và sự hiểu biết của mình.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)