Bị phản ứng, Bộ Tài chính vẫn muốn tăng một loạt thuế

02/01/2018 14:25:29

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo lộ trình mỗi năm 1%.

Theo nguồn tin của PV, Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018. Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung. Hồ sơ dự thảo Luật cũng có ý kiến của các bộ, ngành khác.

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tăng thuế VAT phổ thông từ 10% lên 12% và tăng theo lộ trình, mỗi năm tăng thêm 1% cho tới khi bằng 12%.

Cùng đó, ngoài sửa đổi đồng thời 5 luật về thuế (Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên), Bộ Tài chính trình bổ sung sửa đổi Luật thuế xuất - nhập khẩu.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thành viên được Bộ Tư pháp mời tham gia tổ thẩm định dự thảo các luật về thuế cho biết hầu hết các đề xuất về mức thuế và hàng hóa chịu thuế trong dự thảo vẫn được Bộ Tài chính bảo lưu.

Đặc biệt, các nội dung sửa đổi thuế gây nhiều tranh cãi, trong đó có nhiều chuyên gia không đồng tình Bộ Tài chính vẫn giữ lại như: Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%; đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; đánh thuế thu nhập với lãi suất tiền gửi tiết kiệm; phân chia khung thuế thu nhập cá nhân…

Ông Long cho biết thêm, trong văn bản góp ý, nhiều bộ ngành nêu quan điểm cần xem xét, cân nhắc có nên điều chỉnh thuế VAT hay không?

Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn từ nay tới năm 2020. Việc thực hiện các cam kết FTA khiến hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, làm nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.

Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu do giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018 khoảng 30.150 tỉ đồng; năm 2019 hụt thu khoảng 36.340 tỉ đồng; năm 2020 hụt thu 43.965 tỉ đồng.

Ngoài ra, thuế suất bình quân của toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cũng giảm dần hằng năm theo lộ trình: Năm 2015 giảm còn bình quân 4,75%, năm 2016 còn 3,74%, và năm 2018 giảm còn 2,98%.

Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm là một trong các lý do Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng hàng loạt sắc thuế và bổ sung nhóm hàng hóa chịu thuế. 

Theo Trà Phương (Pháp Luật TP.HCM)