Công nghệ thông tin mang tới những tiện ích để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với khách hàng, nhưng cùng với đó là vô số những rắc rối “từ trên trời rơi xuống” chỉ vì những dòng trạng thái vu vơ hoặc có chủ đích trên truyền thông hoặc mạng xã hội. Thiệt hại ấy có thể đong đếm bằng nhiều tỉ đồng, thậm chí có thể xóa sổ một thương hiệu.
Tai họa không từ trên trời rơi xuống
Năm ngoái, Công ty chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods) đứng bên vờ vực phá sản khi lô hàng xúc xích bị Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ và phạt hành chính vì nghi là sản phẩm có chứa chất gây ung thư. Khi mọi việc chưa rõ ngọn ngành, thông tin lan truyền chóng mặt khiến doanh nghiệp kiệt quệ, hàng trăm công nhân nghỉ việc, các lô hàng đã giao bị trả về. Công ty bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Ngày 25.7, tại diễn đàn “An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp”, đại diện Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84 - Bộ Công an), Thiếu tá Dương Thu Ngọc cho biết, diễn biến “việc tung tin thất thiệt ngày càng tinh vi, đa dạng, chuyên nghiệp và mang tính chất có tổ chức. Đặc biệt là ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh đơn thuần về sở hữu trí tuệ, xâm phạm bản quyền mà còn tinh vi và khó phát hiện hơn nhiều. Cụ thể là giao dịch nội gián, đánh cắp thông tin đối phương, tung tin đồn thất thiệt để triệt phá nhau”.
Theo Thiếu tá Ngọc, ở lĩnh vực ngân hàng xảy ra hàng loạt các vụ vi phạm, nhiều cán bộ cấp cao bị bắt giam, các đối tượng xấu nhân cơ hội này phát tán những thông tin hạ bệ đối thủ cạnh tranh, hoặc tranh thủ cơ hội “kiếm chác” từ diễn biến thị trường. Ví dụ, các đối tượng tung tin chủ tịch một số ngân hàng lớn bị bắt, tin đồn gây tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư bán tháo khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, người dân thì vội vã rút tiền vì lo sợ ngân hàng vỡ nợ…
Đến những chiêu “bẩn” ném đá giấu tay
Hai vụ việc đình đám gần đây nhất là việc Tân Hiệp Phát khủng hoảng vì “sự kiện con ruồi” và nước mắm truyền thống chứa chất gây ung thư. Ngay sau đó, hàng loạt các fanpage được lập với mục đích kêu gọi cộng đồng tẩy chay sản phẩm. Cho tới nay, ai đứng sau các sự kiện ấy vẫn chưa được làm rõ, song chẳng ai vô công rỗi nghề đến mức bỏ công bỏ của tổ chức các cuộc họp báo, nêu lên những cái xấu của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội.
Gần đây hơn, sự kiện nước mắm truyền thống chứa chất thạch tín - một chất cực độc có khả năng gây ung thư. Nguy hiểm hơn, thông tin này lại được chính Hội bảo vệ người tiêu dùng công bố và “mượn” tay các cơ quan truyền thông lan truyền thông tin này một cách rộn rã và chính thống... Tuy nhiên, cho tới lúc này, vẫn chưa có ai bị khởi tố hay phải chịu sự trừng phạt của pháp luật ngoài những quyết định kỷ luật mang tính hành chính đối với một vài cá nhân.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng “Những vụ việc như vậy còn xảy ra vì tuy đã có hành lang pháp lý về vấn đề này song chế tài chưa đủ mạnh, hình thức răn đe không tương xứng với mức độ thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Thêm vào đó, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm điều tra đến cùng, chắc chắn có thể tìm ra cá nhân (hoặc tổ chức) đứng sau đạo diễn các tin đồn xấu đó. Nhưng khó khăn là về lĩnh vực hình sự, những sự kiện như thế này hiện thực tế chưa được vận dụng nhiều và các văn bản hướng dẫn cũng chưa chi tiết nên việc truy cứu không hề đơn giản”.
Theo Đức Thành (Lao Động)