Khi nghề dệt chiếu cói truyền thống hàng trăm năm ở huyện Kim Sơn dần mai một, thợ thủ công đã tìm cho mình hướng đi mới. Việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với nguyên liệu bèo tây vừa cho thu nhập cao, vừa giữ được nghề đan lát truyền thống nên được người dân phát triển. Ảnh: TTXVN
Bèo tây là cây mọc tự nhiên phù hợp với vùng đất ven biển Kim Sơn nên phát triển nhanh và rất tốt nên thân cây rất dài. Không giống cây cói, loại cây này người dân không phải trồng hay chăm sóc, chủ yếu là khai thác ở các sông, kênh, mương nước trong vùng về bán cho người có nhu cầu mua làm hàng mỹ nghệ hoặc làm nguyên liệu cho gia đình mình. Ảnh: VnExpress
Thông thường, thân bèo tây trưởng thành dài từ 50 - 70 cm, khi được vớt về, cắt bỏ rễ, lá phơi khô thành nguyên liệu đan hàng xuất khẩu. Ảnh: Dân Trí
Dù bèo tây sinh trưởng quanh năm nhưng công đoạn phơi chỉ thực hiện được trong mùa nắng nên nhiều người phải bỏ cả tháng trời đi cắt bèo về phơi, dự trữ đan dần trong năm. Ảnh: TTXVN
Nghề đan bèo tây xuất hiện ở Ninh Bình từ năm 2005, nhưng phát triển mạnh mẽ vài năm gần đây. Một phần do được thị trường nước ngoài mở rộng, một phần do thu nhập cao nên thợ thủ công tham gia đan lát ngày càng nhiều. Ảnh: VnExpress
Sản phẩm do người thợ Kim Sơn làm rất đa dạng, như: thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon…
Kỹ thuật đan lục bình đơn giản hơn dệt chiếu, gồm các kiểu cơ bản như: đan hạt gạo, đan xương cá và đan mạng nhện. Tùy sản phẩm mà sử dụng kiểu đan khác nhau. Ví dụ kiểu xương cá thường được sử dụng đan thảm, còn đan kệ để báo, tạp chí thì sử dụng kiểu hạt gạo.
Từ khi có nghề đan bèo tây xuất khẩu, nhiều việc làm liên quan đến loại cây này ở Kim Sơn cũng phát triển như nghề vớt bèo tây phơi khô để bán, nghề thu mua thân bèo khô, nghề đan bèo tây... Từ cây bèo tây, nhiều nông dân địa phương có thêm thu nhập, giải quyết được việc làm lúc nông nhàn.
Từ những thân cây bèo với bàn tay tài hoa của người thợ nơi đây đã hình thành nên những sản phẩm đẹp và độc đáo.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)