Một Nhật Bản đang cố hồi phục kinh tế giờ lại quay cuồng sau vụ bê bối kế toán tại Toshiba.
“Gia tăng lợi nhuận là quan trọng. Nhưng điều đó phải dựa trên cơ sở kế toán công bằng, minh bạch”. Đó là một trong những lời phát biểu của ông Hisao Tanaka khi từ chức Giám đốc điều hành Toshiba ngày 21/7.
Trước đó, các nhà điều tra đã phát hiện ông Tanaka và hai người tiền nhiệm đã chỉ đạo cấp dưới “xào nấu” lại sổ sách và khai khống lợi nhuận 152 tỷ Yên (1,2 tỷ USD) trong 7 năm tính đến năm 2014. Con số phóng đại này gấp khoảng ba lần ước tính ban đầu của Toshiba. Đây là một trong những vụ bê bối kế toán lớn nhất ở Nhật Bản.
Các kế toán viên đã rất “khéo tay” trong việc hạch toán tài khoản 101: phóng đại lợi nhuận và hạ thấp tổn thất cũng như chi phí. Thực ra không hề thiếu các doanh nghiệp “làm trò” với sổ sách. Nhưng vụ việc đã mở ra điều không bình thường trong lịch sử gian lận kế toán: họ cứ làm như kẻ mò mẫm trong đêm, không cần chỉ dẫn rõ ràng. Thay vào đó, ban lãnh đạo đặt ra những mục tiêu bất khả thi, dựa trên văn hóa trung thành, sự tuân lệnh tuyệt đối của cấp dưới với cấp trên để thực hiện các hành vi sai trái và truyền thừa sự sai trái đó qua các thế hệ một cách đương nhiên như tài sản công ty.
Nếu đã xem nhiều phim Nhật Bản về cảnh sát, doanh nghiệp, về bất kỳ tổ chức nào, khán giả sẽ thấy qua các đời, họ không chỉ kế thừa niềm tự hào, sự danh giá hay bất kỳ tài sản giá trị nào, mà còn nhận trọng trách bảo vệ cái sai (nhưng họ vẫn cho đó là vì mục đích cao cả) như một hình thức bảo vệ danh dự. Chẳng hạn: Những ai đã xem Kurokochi, cảnh sát qua các đời cùng nhau giấu giếm vụ việc con trai một sĩ quan cao cấp cướp 300 triệu Yen (đến nay thì giá trị của nó đã tính tới hàng tỷ Yen) bằng đủ thủ đoạn, kể cả giết người để cảnh sát không mất điểm trong mắt công chúng.
Trở lại với câu chuyện Toshiba. Hạch toán gian lận bắt đầu dưới thời Atsutoshi Nishida đảm nhậm chức vụ Giám đốc điều hành trong giai đoạn 2005-2009, người đến hôm nay vẫn làm ở Toshiba với vai trò cố vấn. Năm 2008, ông này đã được báo cáo về khoản lỗ lên đến 18,4 tỷ Yên và gọi đây là con số “quá xấu hổ đến mức không thể công bố ra ngoài”. Cấp dưới của Nishida đã nhanh chóng biến Toshiba từ lỗ sang có lợi nhuận 500 triệu Yên. Sau đó, sự dối trá này tiếp tục diễn ra dưới hai đời CEO sau trước khi bị phát hiện. Tanaka khẳng định: Không hề chỉ đạo cũng như không biết cấp dưới đã can thiệp làm giả sổ sách.
|
Ông Atsutoshi Nishida - Ảnh: Reuters
|
Thật khó để xác nhận lời của ông Tanaka, nhưng cũng từ vụ việc trên có thể thấy rõ một điều: cũng như nhóm cảnh sát phạm tội, để bảo vệ uy tín của ngành, mục tiêu doanh số cao, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã trở thành tài sản truyền đời, không ai dám đánh cuộc với uy tín của công ty. Khi đã khai khống 500 triệu Yen cộng thêm khoản lỗ 18,4 tỷ Yên, thế hệ sau sẽ chỉ càng phải mạnh tay che đậy và tiếp tục khai khống lên nữa để khẳng định Toshiba vẫn vững mạnh, một trong những niềm tự hào của nước Nhật. Ban đầu, Toshiba phát hiện sai phạm kế toán liên quan đến các dự án hạ tầng của công ty thuộc các lĩnh vực hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, kiểm soát không lưu và hệ thống đường sắt. Nhưng sau đó, ủy ban thanh tra độc lập đã phát hiện ra thao tác gian lận đã lan sang sản phẩm nghe nhìn, máy tính cá nhân (PC) và sản xuất con chip.
Trước đó, năm 2011, Nhật Bản cũng từng rúng động khi nhà sản xuất máy ảnh Olympus đã bị phát hiện sử dụng một loạt thương vụ mua lại để che giấu kết quả kinh doanh thua lỗ của tập đoàn này. Ban đầu, lãnh đạo Olympus phủ nhận, nhưng sau đó thừa nhận đã che giấu 117,7 tỷ yên (1,5 tỷ USD) tiền đầu tư thua lỗ từ những năm 1990. Khoản thua lỗ này cũng được truyền qua hai đời giám đốc điều hành.
Với những gì đã xảy ra ở Olympus, các ông chủ Toshiba càng khó tự bào chữa theo kiểu “tôi không chỉ đạo, bên dưới tự làm”. Một trong hai người tiền nhiệm Norio Sasaki cũng đã từ chức, từng là Phó Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Keidanren, đồng thời là thành viên trong nhóm cố vấn cho Thủ tướng Shinzo Abe.
Sự suy sụp của Toshiba sẽ càng mở ra làn sóng hoài nghi về quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản. Nó như gáo nước lạnh giội vào những nỗ lực tuyên truyền về nền văn hóa thân thiện với cổ đông và một phong cách quản trị mới của Chính phủ Abe. Ngay cả Toshiba vốn rất đứng đắn với 4 giám đốc bên ngoài, gấp đôi so với con số khuyến khích. Trách nhiệm kiểm toán cũng không phải người trong công ty mà là Ernst & Young SHINNIHON.
Toshiba cho biết sẽ tăng số lượng giám đốc bên ngoài nhiều hơn. Nhưng điều này có thể không còn nhiều ý nghĩa. Tại Nhật Bản, bất kỳ vị trí tuyển dụng nào, ngay cả trong những vị trí cần “linh hoạt” một chút, điều quan trọng nhất không phải là kỹ năng công việc, mà là trung thực, trách nhiệm và can đảm. Không phải với khách hàng, mà với ông chủ, tổ chức hay đúng hơn là thứ “tín ngưỡng danh dự” (Ngay cả ông chủ cũng có thể bị loại trừ nếu ông ta đi lệch với “tín ngưỡng”).
Chưa hết, các ông chủ sắp mãn nhiệm có đặc quyền chỉ định người kế nhiệm (thường những người khác sẽ không mấy khi phản đối), đồng thời sẽ có vị trí nào đó trong công ty, dù đã đến tuổi xế bóng và chẳng còn đủ sức làm trò nhiều cho nữa như trường hợp của ông Atsutoshi Nishida sau khi mãn nhiệm giám đốc thì làm cố vấn vậy. Thực ra, các trường hợp nghỉ hưu làm cố vấn không thiếu trên thế giới, nhưng rất ít khi người ta quay lại đúng công ty đó. Nhưng việc đảm bảo cho cả “cán bộ về hưu” quay lại làm việc thực sự đảm bảo lòng trung thành của người đó với công ty, dù trong trường hợp tốt hay xấu.
Taro Aso - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - cảnh báo: Vụ bê bối làm tổn hại lòng tin của thị trường. Văn hóa doanh nghiệp “tận tụy” truyền thống của người Nhật cũng bị lung lay, ít nhất là trong mắt nhà đầu tư bên ngoài. Trong khi đó, George Olcott - làm Giám đốc ngoài cho nhiều tập đoàn cho rằng: Nhấn mạnh về lợi nhuận cho cổ đông của chính quyền Abe càng làm gia tăng cám dỗ, đẩy các doanh nghiệp khác cũng lao vào vòng xoáy của trò “múa bút”. Con đê bị xói lở chỉ có thể được bồi đắp bằng những viên đá kè chắc chắn. Vì thế, những hình phạt nghiêm khắc dành cho các lãnh đạo Toshiba liên quan đến vụ bê bối trên là khó tránh khỏi trong lúc này.
Theo Lục Kiễm (Sống Mới)