Bê bối giám đốc World Bank giả mạo dữ liệu giúp Trung Quốc, cho Bắc Kinh nguồn lợi khổng lồ

16/10/2021 21:47:38

Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã gặp Chủ tịch và ăn tối với Giám đốc điều hành World Bank thời điểm đó để vận động cải thiện xếp hạng của nước này năm 2018.

"Tô hồng" thành tích của Trung Quốc

Những đồn đoán về tương lai của nhà kinh tế người Bulgaria Kristalina Georgieva đã rộ lên trong nhiều tuần sau cuộc điều tra về cáo buộc bà đã giả mạo dữ liệu trong thời gian làm giám đốc điều hành của World Bank nhằm giúp Trung Quốc cải thiện vị thế toàn cầu trong thế giới kinh doanh và đầu tư.

Bê bối giám đốc World Bank giả mạo dữ liệu giúp Trung Quốc, cho Bắc Kinh nguồn lợi khổng lồ
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, Mỹ.

Cuộc điều tra, được công bố vào tháng trước, cáo buộc bà Georgieva gây áp lực buộc các nhân viên của World Bank nâng cao xếp hạng của Trung Quốc trong báo cáo Kinh doanh hàng năm "Doing Business" vào năm 2018.

Báo cáo này đưa ra là nhằm phản ánh mức độ của các quốc gia thân thiện với doanh nghiệp bằng cách xem xét kỹ lưỡng cách các quy tắc và quy định của chính phủ nước đó. Báo cáo này trở thành một cẩm nang cho các nhà đầu tư để họ chọn chi tiền vào nước nào và World Bank cũng sử dụng tài liệu này để xây dựng chiến lược cho vay tiền đối với các nước đang phát triển.

World Bank sau đó đã thuê một công ty luật của Mỹ có tên là WilmerHale để dẫn đầu cuộc điều tra về các cáo buộc này. Điều tra của văn phòng luật sư WilmerHale cho rằng ban lãnh đạo của World Bank không muốn làm mất lòng Bắc Kinh trong lúc định chế này đang tìm kiếm nguồn tiền. Chính vì vậy bà Georgieva có thể đã yêu cầu các nhóm chuyên gia của bà tìm cách tô hồng bảng xếp hạng của Trung Quốc.

Ban lãnh đạo World Bank vào thời điểm đó đang thực hiện nhiệm vụ huy động vốn từ các bên liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, quốc gia đã phàn nàn về xếp hạng năm 2017, được chốt ở vị trí 78.

Các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã gặp gỡ các nhân viên World Bank và ông Jim Yong Kim, khi còn là Chủ tịch World Bank, và ăn tối với bà Georgieva để vận động cải thiện xếp hạng cho năm 2018, khi xếp hạng của Trung Quốc xuống 7 bậc, ở vị trí 85. 

Các nhân viên của bà Georgieva và ông Kim sau đó đã can thiệp, theo WilmerHale, giữ mức xếp hạng của Trung Quốc ở mức 78 để đảm bảo các nỗ lực huy động vốn của Bắc Kinh sẽ không bị nguy hiểm.

"Các nhân viên cảm thấy rằng họ không thể làm trái ý Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành của ngân hàng", cuộc điều tra cho biết. Phát hiện của WilmerHale cũng chỉ ra những điểm bất thường trong cách tính xếp hạng của Ả Rập Xê Út trong báo cáo "Doing Business" năm 2020.

Nguyên nhân sau cuộc thoát hiểm của cựu Giám đốc điều hành World Bank

Nhưng rồi, mối lo của bà Georgieva đã được giải tỏa sau khi ban điều hành IMF thông báo rằng họ "hoàn toàn tin tưởng" vào "khả năng lãnh đạo và khả năng tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của bà ấy".

Sau nhiều tuần, nhà kinh tế người Bulgari đã giữ được chiếc ghế Tổng giám đốc IMF. Quyết định này một lần nữa khiến dư âm của vụ lùm xùm này "trỗi dậy", trong đó nhiều người đặt ra câu hỏi xung quanh vụ việc như liệu bà Georgieva là ai, vì sao được "tha bổng" dù tội lớn như vậy?

Bà Georgieva là nhà kinh tế người Bulgari, năm nay 68 tuổi. Năm 2016, bà trở lại World Bank sau 6 năm làm việc tại Ủy ban Châu Âu (EC), nơi bà giữ chức vụ ủy viên ngân sách có uy tín.

World Bank là "lãnh thổ" quen thuộc với nhà kinh tế học này vì bà đã làm việc 17 năm ở đó, vươn lên vị trí phó chủ tịch của định chế cho vay quốc tế này. Khi còn làm việc ở Ủy ban Châu Âu, bà Georgieva rất được kính trọng, và sau vụ bê bối, nhiều quan chức ở đây rất đồng cảm với bà.

Tuy nhiên, việc bà rời khỏi EC không phải là không gây tranh cãi, sau khi bất đồng với tổng thư ký của Ủy ban lúc đó, Martin Selmayr. 3 năm sau khi trở lại World Bank, bà Georgieva được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành IMF, thay thế bà Christine Lagarde, người đã trở thành Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Các nước EU, đứng đầu là Pháp, đã đấu tranh hết mình để bà Georgieva được nắm quyền ở IMF để đảm bảo một người châu Âu vẫn đứng đầu IMF trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore có thể chiếm lấy chiếc ghế này.

Theo truyền thống, IMF sẽ do một người châu Âu lãnh đạo, trong khi người đứng đầu World Bank là người Mỹ. Ban điều hành IMF thậm chí đã loại bỏ giới hạn độ tuổi 65 đối với giám đốc điều hành để bà Georgieva (lúc đó 66 tuổi) có thể nhận việc.

Tuy nhiên, bà Georgieva đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc, mà theo luật sư Lanny Breuer của bà là "đó là những suy luận không phù hợp và không đáng tin cậy". Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn còn những nghi ngại về vai trò của bà Georgieva trong vụ bê bối này. Không liên quan đến cuộc điều tra mới này, ông Jim Yong Kim đã từ chức vào đầu năm 2019.

Số phận của bà Georgieva đã trở thành một thách thức địa chính trị thực sự, trở thành cuộc chiến giữa hai khối Đông - Tây.

Một bên là Mỹ và Nhật Bản, hai trong số quốc gia cấp vốn chủ yếu của IMF, muốn loại bỏ bà. Và bên kia chiến tuyến, những cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga không muốn chứng kiến tình cảnh vị nữ thủ lĩnh của IMF phải vội vã ra đi, nhật báo Financial Times nhận định.

Các nước châu Âu vẫn ủng hộ bà Georgieva bất chấp kết quả điều tra của WilmerHale. Hai quan chức nói với Politico rằng, các nhà ngoại giao EU đã gặp nhau vào cuối tuần để đảm bảo bà Georgieva vẫn nắm quyền ở IMF. 

Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)