Bay quốc tế: Một tháng mới có 3 chuyến, chờ đến bao giờ?

17/10/2020 09:21:51

Đã một tháng mở đường bay thương mại quốc tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, song mới có 3 chuyến bay được thực hiện rồi phải tạm ngừng do chưa có quy trình cách ly thống nhất. Các chuyên gia cho rằng như vậy là quá chậm.

Thận trọng song đừng quá chậm trễ

Muốn bay về gấp để kịp cưới em ruột vào ngày 18/10, anh Nguyễn Văn Kiên (Thái Bình) may mắn mua được vé bay từ Seoul về TP.HCM, dự kiến khởi hành ngày 7/10. Song, đến nay anh vẫn bị mắc kẹt tại Hàn Quốc.

Đó là bởi chuyện hành khách về nước trên chuyến bay ngày 30/9 gây ra cảnh lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất do chưa thống nhất phương án cách ly ở khách sạn, khiến cơ quan chức năng phải ra quyết định tạm hoãn các chuyến bay quốc tế về Việt Nam để chờ quy trình chuẩn về cách ly trên toàn quốc. Thế là, cánh cửa sớm trở về của anh Nam hẹp dần. Chuyến bay của anh Kiên cũng bị lùi lại, đồng nghĩa anh không kịp về dự đám cưới em mình.

Trên thực tế, ngay khi Chính phủ đồng ý mở lại một đường bay quốc tế từ ngày 15/9, các hãng hàng không được chỉ định như Vietnam Airlines và Vietjet đã chủ động lên kế hoạch cụ thể cho các chuyến bay này.

Bay quốc tế: Một tháng mới có 3 chuyến, chờ đến bao giờ?
Nhiều hành khách trông ngóng mở lại đường bay thương mại quốc tế để về nước

Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 19/9, chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên từ TP.HCM đi Nhật Bản mới được thực hiện; đến 25/9 mới có chuyến bay đầu tiên đón khách từ Hàn Quốc về Việt Nam, tiếp đó là chuyến hôm 30.9. Như vậy, từ thời điểm Chính phủ quyết định mở lại đường bay đến nay đã gần một tháng, song mới có 2 chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc với gần 300 hành khách về nước. “Nay các chuyến bay lại phải tạm ngừng do chưa có quy trình cách ly thống nhất cho toàn quốc là quá chậm”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, cho rằng, đáng ra, ngay từ đầu tháng 9, khi đề xuất mở lại đường bay quốc tế, các bộ, ngành liên quan như giao thông vận tải, y tế, công an, du lịch phải cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất quy trình phòng chống dịch trên toàn quốc cũng như thống nhất với các nước đối tác; công khai quy trình, thủ tục liên quan,...

“Nhưng, sau hơn một tháng đưa ra đề xuất, chúng ta vẫn loay hoay, chưa xây dựng quy trình thống nhất cho thấy vai trò trách nhiệm của các bộ ngành chưa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên”, ông Lương nhìn nhận.

Lý do của sự chậm trễ này, theo vị chuyên gia trên, còn bởi sự thiếu minh bạch. “Chúng ta chưa có quy trình chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước, cũng không rõ cam kết của chủ khách sạn về việc tiếp nhận người cách ly”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Trao đổi với báo giới, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch càng sớm càng tốt để mở cửa trên những nguyên tắc rất chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Việc mở lại hàng không và du lịch quốc tế cần mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn mới tạo hiệu quả.

Ông nhấn mạnh, thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị thiệt hại không đáng có.

Sẽ lỡ mất cơ hội

Trên thực tế, dù dịch còn phức tạp nhưng Thái Lan - đối thủ của Việt Nam trong thu hút khách quốc tế trong khu vực, đã chớp cơ hội triển khai gói tour du lịch cách ly 14 ngày tới các thành phố du lịch, trong đó có gói giá chỉ khoảng 5.300 USD/người. Họ cho phép đảo Phuket được đón khách quốc tế theo quy trình “an toàn và khép kín”. Khách du lịch sẽ ở lại Phuket ít nhất 30 ngày, sau khi cách ly 14 ngày đầu tại khu nghỉ mát với bãi biển ngập nắng và các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.

Bay quốc tế: Một tháng mới có 3 chuyến, chờ đến bao giờ? - 1
Theo đề xuất mới nhất, sau khi thống nhất được quy trình cách ly và nối lại đường bay quốc tế, dự kiến mỗi tuần có 4 chuyến bay hạ cánh tại Hà Nội và 5 chuyến bay hạ cánh tại TP.HCM, do Vietnam Airlines và Vietjet Air thực hiện.

Chưa kể, để vực dậy ngành du lịch có doanh thu 60 tỷ USD (năm 2019) và bảo đảm an toàn cho khách và những người tham gia tour du lịch an toàn khép kín,  chính phủ nước này còn đồng ý cho du khách quốc tế được lưu trú tới 9 tháng.

Mới đây nhất, Singapore và Hongkong - hai trung tâm hàng không của châu Á - cũng vừa đạt thỏa thuận về nguyên tắc để thành lập hành lang du lịch an toàn đầu tiên ở khu vực. Theo đó,  người dân đi lại giữa 2 nơi này sẽ không phải cách ly, miễn họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Tại Việt Nam, theo ông Lương Hoài Nam, có thể học theo cách làm của các nước như Thái Lan, Singapore... khi tạo ra những “travel bubbles” (khối, cụm du lịch an toàn) như trên.

Đây là những thoả thuận song phương hoặc đa phương để quy định rõ những quy định về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các quy định phòng và kiểm soát dịch. Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết như thế mới tạo được niềm tin cho người đi lại về quy định rõ ràng, đi lại an toàn.

Còn ông Nguyễn Đức Chí, nguyên phó Phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, đề xuất, để đón khách quốc tế bay thương mại về nước, các hãng hàng không cần thu trước các khoản phí phải trả tại Việt Nam như xét nghiệm, lưu trú, phí vận chuyển mặt đất. Sau khi hoàn tất thủ tục xét nghiệm, thanh toán các khoản phí bắt buộc tại Việt Nam khách mới được mua vé để trở về, ông Chí góp ý.

Tránh để khách đến sân bay mới đóng tiền, chọn cơ sở lưu trú, khi đó khách đổi ý hoặc "kẹt tiền bạc" thì sẽ dễ xảy ra lùm xùm như vừa qua. Muốn vậy, phải có quy trình, địa điểm và giá cách ly rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng khách, đặc biệt là với đồng bào hồi hương có thu nhập không cao để khách lựa chọn và hãng bay không phải làm thay, phải “ôm rơm rặm bụng” như vừa qua. 

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã ngồi lại họp bàn, liệt kê hết các vướng mắc phát sinh sau hai chuyến bay quốc tế "thí điểm" từ Seoul (Hàn Quốc) về Hà Nội và TP.HCM. Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận, việc chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly là một trong nhiều vấn đề cần giải quyết. Tổ công tác của Bộ Y tế đang xây dựng quy trình cách ly thống nhất áp dụng cho toàn quốc trước khi trình Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần ban hành ngay quy trình, cách thức đón khách du lịch quốc tế để tận dụng cơ hội phục hồi hàng không, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Nguyễn Hoàng (VietNamNet)

Nổi bật