CTCP ThaiHoldings (THD) vừa thông báo xác định ngày 7/12 sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành 296,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm huy động 2.961 tỷ đồng. Thời hạn đăng ký mua từ 14/12/2020 đến 18/1/2021.
Dự kiến sau phát hành, ThaiHoldings sẽ tăng vốn điều lệ từ 539 tỷ đồng hiện nay lên 3.500 tỷ đồng. Với phương án này, dự kiến sau phát hành, ThaiHoldings sẽ huy động được 2.961 tỷ đồng. THD sẽ dùng 2.954 tỷ đồng để mua mua 81,% cổ phần Thaigroup - một doanh nghiệp cũng của ông Nguyễn Đức Thụy và trước là công ty mẹ của Thaiholdings.
Trước đó, Thaigroup từng sở hữu 74% vốn Thaiholdings nhưng tính đến cuối năm 2019, đã thoái toàn bộ vốn.
Ông Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT Thaigroup và là cổ đông lớn nhất tại Thaiholdings (nắm 20% vốn). Trước đó, ông Thụy cũng là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings nhưng đã từ nhiệm từ tháng 2.
Thaiholdings cho biết sẽ mua cổ phần Thaigroup từ 9 cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Đức Thụy, cổ đông lớn duy nhất của công ty.
Đây là động thái huy động tiền quy mô lớn tiếp theo của ông Nguyễn Đức Thụy. Cách đây hơn 1 tuần, Thaiholdings của Bầu Thụy đã thế chấp trụ sở để vay bầu Hiển 700 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT của Thaiholdings đã thông qua việc vay vốn, mở L/C và sử dụng dịch vụ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) theo hình thức cấp hạn mức tín dụng tối đa 700 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là bất động sản tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản Hà Nội thuộc quyền sở hữu của CTCP Tôn Đản Hà Nội.
Trước đó, Thaiholdings cũng thông qua việc vay tối đa 500 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) với đảm bảo là cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm. Thaiholdings đang sở hữu gần 1,2 triệu cổ phần, tương đương 17,2% vốn tại Du lịch Kim Liên.
Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, HĐQT Thaiholdings đã thông qua việc vay tới 1.200 tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm. Với gói huy động gần 3.000 tỷ đồng sắp tới, Thaiholdings có thể thu về 4.200 tỷ đồng sau vài tháng lên sàn chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh 9 tháng của Thaiholdings khá u ám với lợi nhuận chỉ đạt 12,5% kế hoạch năm. Một điểm đáng lưu ý là Thaiholdings của bầu Thuỵ đã cọc 113 tỷ đồng cho thương vụ “niêm yết cửa sau”, mua cổ phần của các cổ đông Thaigroup.
Với thương vụ niêm yết cửa sau, Thaiholdings được đánh giá sẽ nắm giữ một lượng lớn tài sản sau khi thâu tóm Thaigroup.
Mặc dù có kết quả hoạt động khá khiêm tốn nhưng Thaigroup dự kiến lãi lớn từ chuyển nhượng nhiều khoản đầu tư. Hoạt động kinh doanh chính của Thaigroup là kinh doanh than nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng tại Hà Nam.
Thaigroup đang nắm giữ cổ phần ở nhiều doanh nghiệp, dự án lớn như: tại CTCP Du lịch Kim Liên, CTCP Tôn Đản Hà Nội - chủ sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower, nắm phần lớn CTCP Enclave Phú Quốc (đơn vị triển khai dự án Khu đô thị và phức hợp 352 ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc), Nhà máy xi măng Quảng Nam, đất tại khu đô thị Xuân Thành (Ninh Bình, đất tại Cảng Ninh Phúc…
Trong năm 2015, Bầu Thụy gây rúng động thị trường với thương vụ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để vượt qua một loạt doanh nghiệp lớn khác mua lại thành công 52% cổ phần của Du lịch Kim Liên, đơn vị đơn vị triển khai dự án quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Thụy hiện nắm giữ gần 10,8 triệu cổ phiếu Thaiholdings trên sàn chứng khoán, trị giá gần nghìn tỷ đồng và đang trong top 80 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản của ông Thụy có thể lớn hơn nhiều.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 1/12, chỉ số VN-Index giảm hơn 10 điểm và đánh mất mốc 1.000 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng sau khi Việt Nam ghi nhận ca lẫy nhiêm cộng đồng Covid-19.
Theo YSVN, nhịp điều chỉnh có thể sẽ còn tiếp diễn và VN-Index có thể sẽ giằng co quanh mức 1,000 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy đà tăng ngắn hạn có dấu hiệu suy yếu và dòng tiền rất dễ xảy ra phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong vài phiên tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/11, VN-Index giảm 7,14 điểm xuống 1.003,08 điểm; HNX-Index giảm 0,46 điểm xuống 147,7 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 66,9 điểm. Thanh khoản đạt 12,4 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)