Nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn khu vực ASEAN
Trong khuôn khổ Hội nghị doanh nhân nữ 2020 vừa diễn ra tại Philippines, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã trở thành doanh nhân nữ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng danh giá này.
Sinh năm 1955, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga cho biết bà đã bắt đầu kinh doanh từ năm 1983 lúc mới ngoài 20 tuổi, từ khi đất nước chưa mở cửa. Năm 1993, bà Nga thành lập doanh nghiệp đầu tiên. Đến năm 1999, bà đã tạo một bước ngoặt khi BRG mua lại một sân golf quốc tế đầu tiên tại miền Bắc ở Đồng Mô (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).
Sau đó, BRG quyết định lấn sân sang lĩnh vực khách sạn, bất động sản khi sở hữu nhiều cơ sở lưu trú trên cả nước, được quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng. Mới đây, bà chủ tập đoàn BRG rút khỏi HĐQT Hapro sau gần 2 năm giữ vị trí chủ tịch. Hapro là một trong những doanh nghiệp nắm giữ nhiều khu đất vàng nhất ở thủ đô.
Bà Nga là một trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Với thông điệp “biến những điều không thể thành có thể” bằng câu chuyện “tháng 6 có 90 ngày” để hoàn thành khách sạn ở Đà Nẵng trong một thời gian kỷ lục phục vụ APEC 2017, bà Nguyễn Thị Nga đã truyền cảm hứng cho những doanh nhân nữ của khu vực hiểu rằng, họ có thể xây dựng doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn để đưa doanh nghiệp của mình vươn xa, đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước.
Nữ tỷ phú hàng không
Nổi danh trong lĩnh vực hàng không, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo 3 năm là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Khối tài sản hiện tại của nữ tỷ phú Việt được Forbes định giá 2,7 tỷ USD.
Forbes đánh giá bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không thế giới khi là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn.
Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú ghi nhận tăng trưởng bứt phá trong nhiều năm gần đây với hàng trăm đường bay được mở ở khắp Việt Nam và ra nhiều nước trên thế giới, cùng với nhiều hợp đồng mua hàng trăm máy bay Boeing và Airbus.
Hệ số sử dụng đòn bẩy của VietJet, như nhiều “ông lớn” khác, cũng khá cao, trên 3 lần. Lợi nhuận của VietJet trong 2019 đạt trên 4,2 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt cao gần 29%.
Ngoài vai trò được nhớ đến nhiều nhất là Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Thảo còn giữ chức Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP HDBank. Khối tài sản tại ngân hàng này cũng đóng góp vào cơ nghiệp tỷ USD của bà.
Mới đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục lọt vào danh sách thường niên 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh do Forbes bình chọn. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Nữ doanh nhân đế chế sữa
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) sinh ra và lớn lên ở Pháp. Dưới thời Liên Xô cũ, bà sang Moscow học ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, bà trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc.
Trở về quê hương, bà làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này của Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Từng ấy năm công tác và lãnh đạo, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam.
Ngoài việc được tạp chí Forbes 3 lần tôn vinh, tháng 7/2012, bà Mai Kiều Liên còn được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á trao giải thưởng “Asian Excellence recognition Awards 2012”.
Bầu Thụy bất ngờ rời bỏ ghế nóng ở tập đoàn lớn
Ngày 29/2, HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings đã thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của công ty nhiệm kỳ 2019 - 2024 với các ông/bà: Vũ Ngọc Định, Nguyễn Đức Thụy, Nguyễn Thị Phương.
Đồng thời, HĐQT tiến hành bầu bổ sung Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của công ty nhiệm kỳ 2019-2024 với các ông: Nguyễn Chí Kiên, Trương Anh Tú, Vũ Đình Hưng, Nguyễn Văn Thuyết, Bùi Xuân Thức.
Các Thành viên HĐQT cũng thống nhất bầu ông Nguyễn Chí Kiên, sinh năm 1978 nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings.
Như vậy, sau khi tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung, thành viên ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thaiholdings nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm các ông: Nguyễn Chí Kiên - Chủ tịch HĐQT; Vũ Đình Hưng - Tổng Giám đốc; bà Nguyễn Thị Vụ - Trưởng Ban Kiểm soát.
Được biết, việc thay đổi thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings đã được thông báo tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.
Bầu Thụy (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Thụy), sinh năm 1976, từng là doanh nhân trẻ nằm trong nhóm 100 doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2009".
Con trai "bầu Hiển" lãi hơn 200 tỷ sau 1 tháng
Giá cổ phiếu SHB đang liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây, hiện giao dịch quanh mức 13.000 đồng/cp, tăng 8,3% so với giá tham chiếu. Trong vòng 2 tuần qua, thị giá SHB đã tăng hơn 80% với 4 phiên tăng trần.
Trong tuần qua (24-28/2), SHB cũng là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trong nhóm ngân hàng với hơn 120,8 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị đạt gần 976 tỷ đồng.
Trước đó, ông Đỗ Vinh Quang - con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch ngân hàng SHB đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2. Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cp, tương đương với tổng giá trị từ 215-235 tỷ đồng.
FPT thay loạt tướng
CTCP Bán lẻ kỹ thuật số - FPT Retail công bố quyết định HĐQT thông qua miễn nhiệm bà Nguyễn Bạch Điệp thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 7/3/2020.
Thay thế bà Điệp trong vai trò Tổng giám đốc FPT Retail nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 7/3/2020 đến hết ngày 6/3/2023 là ông Hoàng Trung Kiên. Bà Nguyễn Bạch Điệp vẫn nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT FPT Retail.
Ông Hoàng Nam Tiến được bầu giữ chức Chủ tịch FPT Telecom từ ngày 3/3, trong khi bà Chu Thị Thanh Hà giữ chức Chủ tịch FPT Software.
Việc thay đổi nhân sự được các cổ đông Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) thông qua tại phiên họp thường niên sáng ngày 3/3. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, vào Hội đồng quản trị FPT Telecom, thay thế ông Bùi Quang Ngọc có đơn từ nhiệm trước đó.
Việc thay thế nhân sự HĐQT, theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, nằm trong chương trình "quy hoạch và luân chuyển lãnh đạo FPT". Chủ tịch FPT Telecom Chu Thị Thanh Hà nhận nhiệm vụ mới là Chủ tịch FPT Software nhưng đồng thời tiếp tục là uỷ viên HĐQT FPT Telecom.
Theo Bảo Anh (VietNamNet)