Bầu Đức khẳng định rủi ro của mảng trái cây sẽ ít hơn khi đã có bài học đắt giá từ việc đầu tư cao su trong quá khứ. Ông cũng cho biết HAGL có kênh phân phối trái cây riêng.
- Thông tin HAGL trồng trái cây đang trở thành tâm điểm dư luận thời gian qua. Tập đoàn đã chuẩn bị cho điều này như thế nào?
- Đối với mảng trái cây mới phát triển trong năm qua, chúng tôi đang có hướng đi đúng và đáp ứng mọi tiêu chuẩn để có thể xuất đi trái cây.
Việc đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng thì không có gì khó với doanh nghiệp. Vấn đề này chỉ khó đối với nông dân thôi.
Chúng tôi tận dụng được quỹ đất dôi dư của các dự án trồng cao su, cọ dầu trước đây và đã cố gắng mở rộng được quỹ đất trong năm qua nên đang tiến triển tốt.
Cơ cấu doanh thu dự kiến của mảng trái cây. Đồ họa: V.Dũng. |
'Thế giới Di động độc quyền bán thì quá rủi ro'
- Nhiều ý kiến đồn đoán lĩnh vực kinh doanh trái cây đang được phát triển bởi một công ty riêng của ông, để tránh hợp nhất doanh thu vào HAGL và dòng tiền bị hạn chế vì nợ vay?
- Mảng trái cây không phải một doanh nghiệp tham gia mà hơn 10 công ty con của HAGL cùng chung tay phát trển. Các công ty này được phân bổ quản lý theo khu vực canh tác. Một công ty con sẽ có nhiều chi nhánh để quản lý hoạt động cho sâu sát. Tôi xin cam đoan Đoàn Nguyên Đức không có công ty riêng nào cả.
- Việc phân phối trái cây trong nước chỉ độc quyền cho Thế giới Di động (TGDĐ) hay mở rộng ra nhiều kênh khác?
- Ngoài việc ký hợp đồng phân phối với TGDĐ, chúng tôi còn tìm kiếm đối tác để mở rộng hơn nữa. Nếu chỉ độc quyền với TGDĐ thì quá rủi ro cho chúng tôi.
Đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu 2 mặt hàng chanh dây và thanh long. Trong khi đó, xoài và chuối qua năm sau sẽ có sản phẩm. Chúng tôi có thể sẽ có kênh phân phối riêng khi sản lượng tăng lên.
Đã rút kinh nghiệm về đầu tư để tránh rủi ro
- Nhắc về câu chuyện sử dụng vốn vay để đầu tư trong quá khứ, ông có cho rằng đó là sai lầm hay không?
- Điều đó chẳng có gì sai lầm vì thời điểm đó HAGL có đủ mọi điều kiện đầu tư. Thị trường đang phát triển quá tốt, nhiều đơn vị khác muốn cũng không đầu tư được vì không có quỹ đất. Tuy vậy rủi ro của thị trường thì mình đâu tránh khỏi.
Lúc đầu tư giá cao su đang cao khoảng 5.000 USD/tấn sau này xuống sâu quá tầm 1.400 USD/tấn thì ai mà biết được rủi ro là đó. Ngay cả tổng thống Nga cũng không lường trước được rủi ro về giá dầu nên dẫn đến cuộc khủng hoảng của nước Nga. Đây là chuyện thị trường, ai mà nói thánh tướng được, có ai muốn giá xuống đâu.
- Vậy ông có kinh nghiệm gì để hạn chế rủi ro cho dự án trái cây, nhất là giá nông sản luôn khó lường?
- Tham gia vào lĩnh vực nào cũng vậy, điều quan trọng là chấp nhận được rủi ro để đầu tư. Đối với nông sản cũng vậy, rủi ro cũng rất lớn. Nhưng lần này tôi đã rút được kinh nghiệm để tránh rủi ro.
Tôi đã không còn đầu tư chuyên về một mặt hàng như cao su nhiều năm trước, mà trong rổ hàng của tôi đang có rất nhiều loại. Nông sản thì loại này xuống loại kia lên, nên rủi ro nếu có cũng rất thấp.
Chuyện bán 50% dự án BĐS ở Myanmar không cấp bách
- Có thông tin cho rằng HAGL đang tìm đối tác để bán 50% dự án BĐS ở Myanmar, có phải là như vậy không? Chính sách thuế của Myanmar đang điều chỉnh tăng có bất lợi cho việc chuyển nhượng hay không?
- Xoay quanh chuyện HAGL đang tìm đối tác để bán 50% dự án ở Myanmar đã có nhiều thông tin đề cập. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề này không phải là cấp bách, có thì tốt mà không có cũng không sao. Dự án này đang chuyển biến tốt nên mọi việc đến đâu hay đến đó.
Về việc Myanmar điều chỉnh tăng thuế, tôi nghĩ chưa phải thời điểm. Hơn nữa, chẳng có quốc gia nào lại điều chỉnh thuế làm ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài cả. Điều này là vô lý.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)