Bất thường việc mua cau bán sang Trung Quốc làm thuốc… cho đàn ông

03/11/2016 14:59:00

Khi được hỏi mua cau nhập cho thươnng lái bán sang Trung Quốc để làm gì, nhiều người thu mua cau dạo lắc đầu. Người thì bảo mua để làm kẹo, người lại đoán để sản xuất thuốc… cho đàn ông.

Khi được hỏi mua cau nhập cho thươnng lái bán sang Trung Quốc để làm gì, nhiều người thu mua cau dạo lắc đầu. Người thì bảo mua để làm kẹo, người lại đoán để sản xuất thuốc… cho đàn ông.

Tại Thừa Thiên - Huế, một điểm mua cau ở phía nam chân cầu Dã Viên (TP Huế) tấp nập kẻ bán người mua mấy ngày nay. Theo quan sát của PV, cứ khoảng 15 phút lại có một chuyến xe máy của người thu mua dạo chở cau đến nhập. Qua tìm hiểu, giá cau nhập ở đây dao động từ 15.000- 20.000 đồng/kg.

Một người phụ nữ thu mua cau tại đây cho biết, ngày cao điểm chị có thể mua vào khoảng hơn 2 tấn cau, bất kể cau non hay già, miễn có hạt.

Hình ảnh quen thuộc trong những ngày này trên các con đường ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), việc thu mua cau cũng đang rất nhộn nhịp. Thường thì vào cuối tháng 9 mới đến mùa thu hoạch cau nhưng cách đây 1,5 tháng, người dân địa phương đã bắt đầu chặt các buồng cau non để bán cho các lái buôn.

Một hộ trồng cau tên Sang, trú ở thôn Tân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông cho biết: “Giá cau non được những người buôn cau mua cao hơn cau đã lột và già nên chúng tôi bán. Mấy cây cau của tôi cho quả bán cũng được gần 2 triệu”.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, những ngày qua, hình ảnh các lái buôn tìm về các xóm làng để hỏi mua cau tươi đã không còn xa lạ.

Thấy giá cao, nhiều người dân đã thu hoạch để bán cho các lái buôn.

Theo nhiều hộ trồng cau ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trước đây, cau trồng trong vườn chủ yếu bán để dùng cho việc cưới hỏi, ma chay nên cau đẹp cũng chỉ bán được với giá 5.000 đồng/buồng; nhiều khi không bán được còn để chín vàng ở trên cây.

Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, nhiều thương lái tìm đến tận vườn hỏi mua cau trái với giá cao, khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg, nên đã giúp nhiều gia đình có thêm một khoản thu nhập.

Bà Trần Thị Lam, trú xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) cho biết, gia đình bà có trồng gần 100 gốc cau. Mấy ngày nay, thấy có nhiều người đến hỏi mua với giá cao nên đã cho hái bán hết cả già lẫn non.

“Tất cả cau được cân ngang cả quả lẫn cuống với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Cau càng đẹp thì giá càng cao. Nhờ có gần trăm gốc cau mà gia đình tôi bán được vài triệu đồng”, bà Lam cho hay.

Việc thương lái thu mua cau với giá cao nên đã tạo công ăn việc làm cho một bộ phần người dân chuyên làm trung gian, thu mua cau dạo. Họ tự bỏ vốn, len lỏi về các hộ trồng cau thu mua với giá từ 7.000 -10.000 đồng/kg, rồi chở đi nhập tại các điểm thu mua lớn giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Chị Trần Thị Tâm, trú ở phường Đông Giang, Tp Đông Hà (Quảng Trị), một người mua cau dạo cho biết: “Tôi làm việc này cũng được hơn 10 ngày nay. So với làm thuê vất vả, nếu chịu khó đi và gặp may một tí, có ngày tôi cũng lời 1 đến 2 triệu đồng”.

Tuy vậy, khi được hỏi có biết mục đích thương lái mua cau để làm gì, chị Tâm cũng như nhiều người khác đều lắc đầu.

“Người thì bảo mua để làm kẹo, người thì bảo mua để làm thuốc… cường dương (?!) Tôi chỉ nghe là mua rồi nhập sang Trung Quốc. Thấy mua bán được giá thì cũng tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập thôi chứ tôi cũng không mấy quan tâm đến chuyện đó nhiều”, chị Tâm thành thật nói.

Cau sau khi được luộc sẽ được sấy khô và đóng bao bì nhập sang Trung Quốc.

Chia sẻ về mục đích của viêc thu mua cau, một người làm việc ở cơ sở chế biến cau tại chợ An Lỗ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) cho biết, cau sau khi mua sẽ được sấy khô và nhập sang Trung Quốc để làm kẹo bán cho xứ lạnh.

Người này thông tin thêm, những ông chủ người Trung Quốc rất ít khi “ra mặt” mà chỉ giao lại cho những ông chủ người Hải Phòng trực tiếp thu mua và việc làm này đã diễn ra từ mấy năm nay.

Liên quan đến việc các thương lái thu mua cau với giá cao thời gian qua, trao đổi với PV, ông Trần Văn Tân, Chi cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện diện tích trồng cau trên địa bàn tỉnh là không lớn nhưng đây là lần đầu tiên trên địa bàn thấy thương lái đổ xô đi mua cau với giá cao, việc bà con bán nông sản được giá là điều đáng mừng.

“Tuy vậy, thị trường bấp bênh, nhiều rủi ro, nên bà con cũng phải cẩn trọng, thu gom cau ngày nào thì nên bán hết ngày đó, không nên trữ lại hàng, tránh việc thương lái không thu mua nữa gây thua lỗ”, ông Tân khuyến cáo.

Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và kỹ thuật năm 1996), viết về công dụng chữa bệnh của hạt cau, GS.TS Đỗ Tất Lợi chỉ đề cập đến việc chữa giun sán, viêm ruột, chữa chốc đầu cho trẻ nhỏ hay sốt rét.

Trong các tài liệu của Đông y, cũng không nhắc đến công dụng của quả cau trong việc giúp cường dương, cải thiện chất lượng của việc chăn gối...


Theo Lê Kông (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật