Bất ngờ với số lượng công ty môi giới BĐS phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ Tết sớm

04/01/2023 14:01:41

Thị trường bất động sản (BĐS) gặp khó khăn hàng loạt công ty, sàn môi giới phải đóng cửa , tạm dừng hoạt động.

Những công ty còn hoạt động thì đang ở mức cầm cự, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm nhiệm. Nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Bất ngờ với số lượng môi giới BĐS còn hoạt động

Nhận định chung về thị trường BĐS Việt Nam năm 2022 tại Hội thảo Bắt mạch thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho biết, giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả phân khúc.

Điều này đã góp phần tác động khiến thị trường BĐS phát triển nóng, tình trạng “sốt đất” cục bộ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường,... kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch, môi giới BĐS.

Nhưng từ cuối Quý II/2022 đến nay, thị trường BĐS dần lao dốc và rơi vào trạng thái “ngủ đông” vì bị ảnh hưởng bởi những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác.

Hệ quả của thực trạng trên là hàng loạt công ty, sàn môi giới phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Những công ty còn hoạt động thì đang ở mức cầm cự, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Bất ngờ với số lượng công ty môi giới BĐS phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ Tết sớm
Khi thị trường gặp khó khăn thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là môi giới, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm.

Theo ông Hà, khi thị trường gặp khó khăn thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là môi giới, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm.

Đồng thời, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên nhiều doanh nghiệp BĐS “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay).

Trước đó, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023: “Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNRea, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, theo thống kê của VARS, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Trong khi đó, nhiều môi giới cho biết, vài tháng qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Quá chán nản, nên nhiều người đã bỏ nghề, đội, nhóm tan rã.

Thị trường sẽ sớm khởi sắc?

Mặc dù vậy, nhiều môi giới lâu năm cho biết, số đông đồng nghiệp bỏ nghề là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu với nghề và chưa thể nắm bắt, dự đoán được các biến cố của thị trường. Vì thế, khi thị trường đi xuống là họ lại chuyển sang ngành khác để kiếm sống.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nhận định, cái khó của thị trường ở thời điểm này là tâm lý lo ngại đang bao trùm thị trường. Do đó, các công ty mới thành lập hoặc lập được vài năm nhưng bán hàng không được đã rục rịch giải thể hoặc nguy cơ giải thể rất cao.

Bất ngờ với số lượng công ty môi giới BĐS phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ Tết sớm - 1
Thị trường BĐS sẽ sớm khởi sắc trở lại nhưng để đón đầu, các doanh nghiệp, sàn môi giới BĐS cần tập trung vào các phân khúc sản phẩm phục vụ nhu cầu thực của người dân. (Ảnh minh họa)

Đưa ra đề xuất về giải pháp cải thiện thị trường BĐS trong năm mới, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, Chính phủ, Quốc hội đang đẩy mạnh việc sửa đổi các luật để khắc phục các bất cập, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Nhưng thời gian chờ luật khá lâu, vì vậy cần thiết có tháo gỡ theo hướng có cơ chế đặc thù.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà hi vọng thời gian tới thị trường BĐS sẽ ấm dần, các hoạt động giao dịch sẽ dần ổn định, nguồn cung tương lai từ số lượng lớn các dự án, đặc biệt các dự án phù hợp với nhu cầu thực người dân như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... được đưa vào thị trường. Do đó, chắc chắc thị trường BĐS sẽ sớm khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, để đón đầu những điều này, các doanh nghiệp, sàn môi giới BĐS cần tập trung vào các phân khúc sản phẩm phục vụ nhu cầu thực của người dân…

Theo Lộc Liên (Tiền Phong)