Ngày 9/3, Tiên Nguyễn - con gái "ông trùm hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết mình đã trở về Việt Nam sau quãng thời gian đi qua hai nước Anh và Ý - vùng tâm dịch tại Châu Âu. Được biết, Tiên Nguyễn di chuyển bằng chuyên cơ riêng, do chính bố mình sắp đặt.
Trước đó, nữ doanh nhân trẻ này đã tham dự tuần lễ thời trang Milan Fashion week tại Ý trong khoảng thời gian ngày từ ngày 18-24/2. Cô gặp N.H.N - bệnh nhân số 17 tại Anh và chụp ảnh thân thiết.
Việc Thảo Tiên tham dự các tuần lễ thời trang sang trọng tại châu Âu không có gì là bất ngờ khi cô là Phó Tổng Giám đốc Phát triển thời trang cao cấp của tập đoàn IPP Group.
IPPG kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, là đối tác phân phối độc quyền của hơn 100 thương hiệu thế giới, đầu tư quản lý trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ cao cấp. Bên cạnh đó, tập đoàn còn tham gia đầu tư Nhà ga quốc tế Cam Ranh và kinh doanh chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay khắp cả nước. Trung bình hàng năm, đơn vị thực hiện nộp ngân sách nhà nước 1.950 tỷ đồng
DAFC công ty phụ trách chính mảng phân phối hàng hiệu của IPP – hiện là nhà phân phối của các thương hiệu cao cấp như Rolex, Bvlgari, Armani Exchange, Burberry, Cartier… Còn ACFC và CMFC phân phối thời trang trung cấp với các thương hiệu Nike, Mango, Tommy Hilfigher, Levi’s…
Mặc dù kinh doanh những mặt hàng xa xỉ nhưng điều bất ngờ là lợi nhuận của DAFC khá thấp, cả về con số tuyệt đối cũng như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Năm 2018, DAFC đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng LNTT, tức tỷ suất lợi nhuận chỉ 2,6%.
Công ty phân phối thời trang trung cấp ACFC cũng có doanh thu tương đương nhưng có LNTT lên tới 107 tỷ đồng.
Trong khi mảng kinh doanh hàng hiệu không mang lại quá nhiều lợi nhuận cho gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn thì mảng dịch vụ hàng không lại là "con gà đẻ trứng vàng" của IPP Group.
Công ty mẹ IPP Group cùng DAFC và ACFC đang nắm giữ 45% cổ phần của Sasco CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, doanh thu thuần hợp nhất trong quý của Sasco đạt hơn 782 tỷ đồng, tăng 8,6% so với quý IV/2018. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp phụ trợ hàng không này.
Lợi nhuận gộp Sasco đạt hơn 407 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì mức cao đến 48%.
Trong kì, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 10% lên 21,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm mạnh nhờ ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá hơn 9,4 tỷ đồng.
Cả năm 2019, doanh thu thuần Sasco đạt 2.895 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 445 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 9% so với năm 2018 và vượt kế hoạch 1,3% và 4,7%. Lợi nhuận sau thuế hơn 372,6 tỷ đồng, tăng hơn 9%.
Tính đến hết 31/12, tổng giá trị tài sản của Sasco hơn 2.347 tỷ đồng, tăng gần 5% hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền 164,5 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn 657,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng lên hơn 77 tỷ đồng; bao gồm các dự án trang trại Suối Nhung, dự án khách sạn Sasco – Nha Trang, dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa.
Hiện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (Mã: ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất tại đây với tỷ lệ vốn trên 49%.
Cá nhân ông Hạnh Nguyễn cũng đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Sasco từ giữa năm 2017, còn bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Hạnh Nguyễn) cũng là thành viên HĐQT Sasco từ năm 2014.
Sasco hiện là doanh nghiệp chuyên quản lý và vận hành cửa hàng miễn thuế, cửa hàng lưu niệm, phòng chờ lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, các cửa hàng tập trung chính tại sân bay Tân Sơn Nhất và Cam Ranh.
Sasco là đơn vị chuyên kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh bán lẻ, dịch vụ phòng chờ hạng thương gia, dịch vụ vận chuyển hành khách tại sân bay cùng các dịch vụ ẩm thực.
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)