Công tơ điện là gì?
Công tơ điện là thiết bị để đo lượng điện năng tiêu thụ của một phụ tải điện gồm hộ tiêu dùng, doanh nghiệp hoặc tất cả các thiết bị chạy bằng điện.
Thiết bị này được ngành điện lực EVN – Việt Nam sử dụng làm cơ sở thanh toán tiền điện sử dụng hàng tháng cho các hộ gia đình, toàn nhà, công ty hay xí nghiệp.
Ứng dụng của công tơ điện trong cuộc sống
Công tơ điện được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến trong đời sống hàng ngày, dùng để đo đạc chính xác mức độ tiêu thụ điện của các thiết bị điện. Qua đó, người dùng có thể thuận tiện và dễ dàng hơn khi theo dõi cũng như kiểm soát dòng điện tiêu thụ.
Ngoài ra, trong công nghiệp đồng hồ điện còn được ứng dụng trong truyền thông và gửi các dữ liệu quan trọng lên trung tâm điều khiển. Từ đó, giúp chủ doanh nghiệp thuận tiện hơn khi quản lý chỉ số điện của hệ thống máy sản xuất, dây chuyền hay một phân xưởng.
Phân loại công tơ điện phổ biến hiện nay
Công tơ điện được phân theo 3 loại cơ bản: 1 pha, 3 pha và loại 2 chiều. Chi tiết mỗi thiết bị như sau:
Công tơ điện 1 pha
Công tơ điện 1 pha cơ
Đây là loại công tơ được sử dụng phổ biến từ xưa đến nay và được lắp đặt hầu hết trong mỗi gia đình hiện nay. Hiện nay ở các trung tâm tòa nhà lớn thì công tơ điện cơ đang dần thay thế bằng công tơ điện tử.
Loại công tơ điện này, có giá thành rẻ; cấu tạo đơn giản; sử dụng khá bền và ổn định. Tuy nhiên, loại thiết bị này độ chính xác chưa cao, có thể dẫn đến sai số do phụ thuộc vào cơ cấu hoạt động cơ khí; có thể bị điều chỉnh, làm chậm tốc độ quay của đồng hồ.
Công tơ 1 pha điện tử
Loại này có thiết kế hiện đại, hoạt động dựa trên các thông số điện tử hiển thị trên màn hình LCD và LED.
Ngoài việc đo lường điện năng tiêu thụ thì công tơ điện tử có thể ghi lại các thông số khác của tải và nguồn, chẳng hạn như số điện sử dụng tức thời hay số điện tối đa, mức điện áp, hệ số công suất và công suất phản kháng…
Đặc điểm nổi bật công tơ điện tử là có thể hỗ trợ tính toán theo thời gian cài đặt. Ví dụ như ghi lại số kWh điện năng tiêu thụ trong giờ cao điểm hoặc giờ bình thường.
Công tơ điện 3 pha
Đây là thiết bị được sử dụng cho mạng lưới điện 3 pha 4 dây, được chia thành 2 loại cơ bản gián tiếp và trực tiếp
Công tơ điện 3 pha được lắp đặt ở các công trình, nhà máy sản xuất lớn sử dụng mạng điện 3 pha và ít gặp ở các hộ dân.
Công tơ điện 2 chiều
Loại công tơ này gồm 2 bộ nhớ thường được sử dụng để đo nguồn điện từ các dự án điện năng lượng mặt trời và dùng để đo đếm nguồn điện năng 2 chiều
Bộ nhớ 1: Dùng để lưu trữ các chỉ số điện năng tiêu thụ được cung cấp bởi công ty điện lực Việt Nam.
Bộ nhớ 2: Lưu trữ chỉ số điện năng từ hệ thống lưới năng lượng mặt trời đã được lắp đặt.
Số đếm công tơ điện gia đình cho biết điều gì?
Số đếm của công tơ điện gia đình cho biết công suất điện gia đình sử dụng, lượng điện năng sử dụng được đo bằng công tơ điện. Một số đếm của đồng hồ công tơ điện tương ứng với 1 kWh (đơn vị điện năng tiêu thụ trên 1 giờ).
Do vậy công tơ điện là thiết bị đo lượng điện gia đình sử dụng và số đếm trên công tơ điện là số lượng điện năng mà gia đình đã sử dụng. Công ty Điện lực Việt Nam sẽ căn cứ vào số đếm trên đồng hồ công tơ điện để xác định chi phí điện của gia đình phải trả.
Tuy nhiên, những đồng hồ công ty điện cũ, sử dụng lâu có thể xảy ra hiện tượng số đếm chênh lệch với lượng điện tiêu thụ thực tế. Do đó để đảm bảo quyền lợi của gia đình, nên thông báo cho đơn vị cung cấp điện khi có nghi ngờ về chỉ số điện tiêu thụ.
Cách tính tiền điện nhanh và chính xác nhất
Những khung giá áp dụng cho điện sinh hoạt
Khung giá được áp dụng cho điện sinh hoạt, tính theo mức bậc thang, tức là hộ gia đình càng sử dụng điện nhiều thì càng có nhiều bậc để tính tiền điện và bậc cao hơn cũng áp dụng giá cao hơn cho mỗi kWh.
Các "bậc thang" điện và giá tương ứng theo quy định của Bộ Công Thương:
Bậc 1 (0 đến 50kWh): 1.678 VND/kWh.
Bậc 2 (51 đến 100kWh): 1.734 VND/kWh.
Bậc 3 (101 đến 200 kWh): 2.014 VND/kWh.
Bậc 4 (201 đến 300 kWh): 2.536 VND/kWh.
Bậc 5 (301 đến 400 kWh): 2.834 VND/kWh.
Bậc 6 (401 kWh trở lên): 2.927 VND/kWh.
Cách tính tiền điện theo khung giá bậc thang
Mỗi bậc có một mức giá điện khác nhau. Vì vậy, có thể áp dụng công thức tính đơn giản như sau để ra được hoá đơn tiền điện của gia đình mình:
Mức bậc thang tính tiền điện = (Mức bậc thang thứ i trong biểu giá) x (Số ngày tính tiền) x (Số hộ dùng chung)/(Số ngày của tháng trước liền kề).
Sau đó, lấy mức bậc thang tính tiền nhân với giá bán lẻ cộng với thuế VAT là ra số tiền hoá đơn tiền điện của gia đình mình.
Cách tính tiền điện online
Trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn Điện lực, khách hàng cũng được cung cấp một công cụ tính hoá đơn tiền điện khá tiện lợi. Chỉ cần truy cập trang web: https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx bằng trình duyệt của các thiết bị điện tử.
Sau đó, chọn giao diện tính toán tiền điện sinh hoạt ở ngay trên đầu công cụ.
Nhập tổng mức tiêu thụ điện năng trong tháng mà gia đình đã sử dụng vào trong ô Tổng điện năng tiêu thụ (kWh) và số hộ dùng điện vào ô số hộ dùng điện (hộ).
Sau đó, nhấn vào nút Tính toán để ra được số tiền mà hộ gia đình sẽ phải đóng cho Công ty Điện lực.
Sau khi hoàn tất các bước, khách hàng sẽ nhận được tổng số tiền cần đóng dựa trên tổng mức tiêu thụ điện của gia đình.
Lưu ý: Không áp dụng cho các trường hợp sau:
1. Khách hàng có thay đổi thiết bị đo đếm trong kỳ (gắn mới, thay thế, tháo thu hồi).
2. Khách hàng có thay đổi giá bán điện áp dụng trong kỳ.
3. Khách hàng có nhiều địa điểm dùng điện.
4. Khách hàng lắp đo đếm phụ sau công tơ.
5. Khách hàng sử dụng điện theo nhiều mục đích.
6. Khách hàng có chốt chỉ số trong kỳ đổi giá điện.
7. Khách hàng có thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ.
Cách kiểm tra công tơ điện
Thông số cần nắm rõ trước khi kiểm tra công tơ điện
Về đơn vị tính điện năng
Hiện nay, đơn vị tính điện năng ở nước ta là kWh. Đơn vị này được tính dựa trên công thức A = P x t. Trong đó, A là điện năng tiêu thụ, P là công suất của thiết bị (tính bằng kW) và t là thời gian (tính bằng giờ – h). Hàng tháng, dựa vào hóa đơn tiền điện, người dùng có thể biết được gia đình mình sử dụng hết bao nhiêu kWh (số điện) cho tháng đó.
Về số vòng quay của công tơ điện
Người dùng cần nhìn vào thông số vòng quay trên thân đồng hồ. Đồng hồ của Việt Nam thường ghi 450 vòng/kWh. Nếu ghi băng tiếng Anh sẽ là 450rev/kWh. Các đồng hồ khác nhau về chỉ số này sẽ có tốc độ chạy khác nhau khi sử dụng 1 tải. Số vòng quay của đồng hồ không phải là yếu tố để đánh giá xem đồng hồ có chạy đúng với mức độ tiêu thụ hay không.
Các cách kiểm tra công tơ điện
Cách 1: Tắt toàn bộ các thiết bị điện và tắt luôn cầu dao (CB) tại đồng hồ.
Sau khi tắt cầu dao và tất cả các thiết bị điện, nếu thấy đồng hồ hầu như không quay hoặc khoảng 5-10 phút mới quay 1 vòng thì nó hoạt động tốt (việc vòng quay đồng hồ với mức độ này hầu như không gây ảnh hưởng đến điện năng tiêu thụ hàng tháng).
Ngược lại, nếu đồng hồ quay với tốc độ nhanh thì có khả năng công tơ điện có vấn đề.
Cách 2: Bật cầu dao chính lên nhưng vẫn tắt toàn bộ các thiết bị điện. Sau đó tiến hành quan sát công tơ điện.
Nếu công tơ điện không quay thì hệ thống điện không có hiện tượng rò rỉ điện.
Nếu chiếc đồng hồ đó quay thì nên đếm thử xem trong một số phút thì chúng quay được bao nhiêu vòng. Sau đó ghi lại số thứ nhất (s1), từ s1 có thể tính ra một ngày hoặc một tháng hệ thống điện bị rò rỉ bao nhiêu số.
Lưu ý khi kiểm tra công tơ điện
Nếu phát hiện những sai sót, chênh lệch số điện nên báo các cơ quan chức năng để tìm cách khắc phục. Trường hợp tự mình kiểm tra công tơ điện cần bảo hộ, đeo gang, đi giày, tất, không đi chân trần chạm sàn. Chỉ nên đọc chỉ số, người dùng không nên mở hoặc chọc ngoáy vào công tơ điện.
Phép đo trên chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên nếu kết quả sai lệch quá nhiều, người dùng có thể đề nghị các đơn vị cung cấp điện kiểm tra lại công tơ điện của mình.
Cách lựa chọn công tơ điện tốt cho gia đình
Để lựa chọn được loại công tơ tốt nhất cho gia đình, cần phải nắm vững các thông số kỹ thuật của thiết bị này. Cụ thể như sau:
Điện áp là giá trị bắt buộc phải tuân thủ đúng quy định để đảm bảo độ chính xác và an toàn trong quá trình sử dụng. Tại Việt Nam thì giá trị này sẽ luôn ở định mức 220V.
Dòng điện: Đây cũng là thông số kỹ thuật mà người dùng cần đặc biệt lưu tâm khi tìm mua đồng hồ điện. Dòng điện định mức đảm bảo độ chính xác của công tơ là 5(20)A, 10(40)A, 20(80)A, nếu không đáp ứng được quy định này công tơ có thể sẽ bị hư.
Tần số định mức của đồng hồ điện thường nằm trong khoảng 50Hz, người dùng cần nắm rõ chỉ số này để lựa chọn thiết bị phù hợp,
Rev/kWh thông số này biểu thị số vòng quay của đĩa nhôm để đạt 1kWh và sẽ được quy định là: 225 rev/kWh, 450 rev/kWh, 900 rev/kWh.
Cấp chính xác Cl (class) của đồng hồ điện theo quy định sẽ là Cl1, Cl2, chính vì vậy người dùng không nên bỏ qua thông số này khi lựa chọn công tơ điện.
Bên cạnh đó, người dùng nên lựa chọn sản phẩm chất lượng có độ bền cao, chống chịu tốt để tiết kiệm chi phí và sử dụng lâu dài. Đồng thời, bạn nên dành thời gian tìm hiểu và mua đồng hồ điện từ hãng sản xuất uy tín với chế độ bảo hàng tốt.
Theo L.Vũ (Giadinh.suckhoedoisong.vn)