Cung – cầu “giậm chân tại chỗ”
Dạo qua một số sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội, PV Người Đưa Tin Pháp luật nhận thấy dường như thị trường vẫn còn đang “ngủ đông” vì đại dịch. Nếu như trước đây những sàn giao dịch nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc bình dân như dự án Ecohome 2 (đường Phạm Văn Đồng, quận Nam Từ Liêm), dự án Golden Time (khu Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm)... luôn trong cảnh tấp nập kẻ vào người ra thì giờ đây không khí tương đối trầm lắng.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 24/7, chị Nguyễn Hạnh - nhân viên tư vấn BĐS chuyên khu vực quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm - cho hay, đã bắt đầu có giao dịch BĐS nhưng rất chậm. Một số dự án ở khu vực Mỹ Đình do chị Hạnh tư vấn đã đưa ra gói ưu đãi miễn phí 5 năm phí dịch vụ cho khách hàng đặt mua, tặng voucher 1 triệu đồng dành cho khách hàng tham dự sự kiện cất nóc, ngoài ra là nhiều quà tặng với tổng giá trị lên tới 200 triệu đồng… song sự phản hồi vẫn rất hạn chế.
Anh Nghiêm Bá Hiếu – nhân viên kinh doanh của một công ty đang được ủy quyền bán căn hộ của chủ đầu tư Bắc 9 - cho hay, kinh tế khó khăn, mọi gia đình thắt chặt chi tiêu nên bán nhà đất thời điểm này rất chật vật. “Anh đã biết trường hợp nhân viên nhà đất mà vài tháng không bán được căn nào chưa? Chính là em đấy, phát ra bao nhiêu bảng hàng nhưng không nhận được hợp đồng mua nhà nào” – anh Hiếu nói vui nhưng đầy tâm tư.
Tự kết nối với một nhóm Review kinh nghiệm mua nhà ở xã hội trên mạng xã hội Facebook, tôi đọc được nhiều mẩu rao bán nhà chưa hoàn thiện. Phần lớn lý do của họ là vay tiền ngân hàng để mua nhà nhưng gặp đại dịch, công việc trì trệ, thu nhập sa sút không chịu nổi lãi suất, giá nhà lại giảm nên chưa nhận nhà đã phải rao bán nhằm cắt lỗ.
Tình hình càng kém khả quan đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng (condotel, shophouse..) do chịu ảnh hưởng kiểu domino từ sự “tê liệt” ngành du lịch trong mùa dịch. Còn nhớ sau một thời gian dài chịu “bất công” về mặt pháp lý, đầu năm nay việc bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho condotel được các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đánh giá là động thái tích cực, giúp giải tỏa thị trường. Song, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” thì lại buồn thiu vì Covid.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho biết: “Hiện tại, do nền kinh tế suy thoái nên thị trường BĐS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”.
Ông Đính cho hay: “Đối với nguồn cung, vấn đề vẫn nằm ở sự trì trệ trong khâu xử lý dự án của các địa phương do bị chi phối các yếu tố như: tâm lý nhiệm kỳ, e ngại giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Mặc dù Chính phủ đã có biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách pháp luật, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”.
Một phần lý do nữa là do một số quy định pháp luật vẫn còn mâu thuẫn, cồng kềnh, các biện pháp tháo gỡ còn rời rạc, chưa giải quyết được những vấn đề nổi cộm”.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, lực cầu hiện nay đang bị yếu đi, do kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Những sản phẩm có giá cả phù hợp với thị trường vẫn có đầu ra nhưng do bị hạn chế ở khâu quảng bá nên trở thành khó tiêu thụ, hậu quả là giá thị trường càng giảm sâu thì giá thành càng bị đội lên và lại sa vào vòng luẩn quẩn khó tiêu thụ.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh (HoREA) - cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018 - 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh, giá nhà tăng, người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai và BĐS bị sụt giảm. “Dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm khó khăn của các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà” – ông Châu nhận định.
Có hay không “điểm sáng” BĐS những tháng cuối năm?
BDự báo triển vọng của ngành BĐS những tháng cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Phân khúc có điểm sáng hơn cả là phân khúc BĐS công nghiệp. Mới đây, theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 335 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6 tỷ USD. Có thể dự báo, thị trường BĐS cho thuê kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Hiện tượng này có nguyên nhân được cho là do các nhà đầu tư Trung Quốc đang tháo chạy, từ đó các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi về đăng ký đầu tư”.
“Tuy nhiên, những khó khăn và vướng mắc hiện tại mà ngành BĐS đang gặp phải là chính sách chưa rõ ràng, thái độ và tâm lý của các nhà quản lý trong lĩnh vực này vẫn còn đang “ngủ đông”, chưa thật sự quyết liệt, ngân hàng cũng khó khăn nên siết tín dụng, cầu yếu... sẽ tiếp tục làm ngành BĐS chưa thể thật sự phục hồi”, ông Đính cho biết thêm.
Từ góc nhìn kinh tế - tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra thận trọng khi nhận định: “Những khó khăn mà ngành BĐS đang gặp phải sẽ tác động theo cả hai mặt cung và cầu. Khi cầu giảm sâu, nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ giảm đi nhiều, từ đó kéo theo cung giảm. Nói chung chưa thể nói gì về triển vọng phát triển BĐS 6 tháng cuối năm khi mà tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến khó lường”.
Chung quan điểm thận trọng trên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trong 6 tháng cuối năm BĐS sẽ không có chuyển biến đáng kể, trong đó BĐS nghỉ dưỡng sẽ khó phát triển vì vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại chưa được tháo gỡ triệt để.
Được biết mới đây HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng, bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp “giải cứu” thị trường BĐS. Theo đó, trong khi chú trọng đề xuất các nhóm giải pháp cho phép doanh nghiệp BĐS được gia hạn tiền thuế và bảo hiểm xã hội, được giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng, được tháo gỡ các vướng mắc chính sách…, HoREA không quên yêu cầu tự thân mỗi doanh nghiệp BĐS cần phát huy nội lực, sức chống chịu va đập thị trường để vượt qua khủng hoảng.
Phân khúc căn hộ bình dân chiếm lực cầu lớn
“Các năm tới, xu hướng căn hộ diện tích hợp lý, vừa túi tiền sẽ lên ngôi và vẫn chiếm tỉ lệ lớn trên thị trường, trong khi nguồn cung hiện nay rất hạn chế. Để thị trường BĐS phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền nên được ưu tiên đầu tư. Nguồn cung yếu, tính thanh khoản cao là những lý do khiến phân khúc này sẽ vẫn được khách hàng đón đợi trong vài năm tới”, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh
Theo Đỗ Tuấn (Nguoiduatin.vn)