Quyết tâm làm trong sạch thị trường
Chia sẻ với PV. VietNamNet tối 5/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cũng là những sự việc rất đáng tiếc, tuy nhiên qua đó cũng thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Những vi phạm đó không phải là phổ biến và cá nhân nào làm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp với các cơ quan để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: Quan điểm Bộ Tài chính là tuân thủ, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính. Xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán thực sự là công khai minh bạch, và là kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Tài chính cho biết đã thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung để hoàn thiện thể chế, các quy định việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thị trường tài chính trong đó có thị trường chứng khoán.
“Qua sự việc vừa qua, có thể thấy một số doanh nghiệp đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, các công ty phát hành 9 đợt trái phiếu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều là những công ty chưa đại chúng, do đó để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các công ty này không phải xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi hoàn thành phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp này có trách nhiệm gửi thông tin về HNX.
Đây được xem là kẽ hở để các DN lợi dụng. Nguồn tin của VietNamNet cho biết Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu các đơn vị sửa Nghị định 153, 155 để 'bịt' kẽ hở này.
Liên tục phát thông tin cảnh báo
Ngoài ra, suốt từ 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Từ ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã sớm có chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động này.
Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban chứng khoán nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất; Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
"Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật', Bộ Tài chính đưa ra yêu cầu từ rất sớm.
Ngay sau đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ sớm đã phát hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Do vậy, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị 153 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định
Đến tháng 12/2021, trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo Vụ Tài chính ngân hàng, quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.
Cơ quan này cho rằng các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Với tính chất rủi ro cao hơn nên trái phiếu DN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.
Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu” - Vụ Tài chính ngân hàng từng liên tục đưa ra khuyến nghị.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)