Cụ thể, tại Đông Anh đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7, xã Uy Nỗ. Đây được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh.
Phiên đấu giá gồm 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.
Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm), giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.
Trước đó, vào thời điểm giữa tháng 10, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh cũng đã phối hợp với công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá đối với 27 thửa đất tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú.
Theo đó, giá khởi điểm của các thửa đất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2 tuỳ từng thửa đất. Tổng diện tích các thửa đất đưa ra đấu giá là gần 2.600m2, dao động từ 90 m2 đến 164,17 m2.
Phiên đấu giá thu hút được 98 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 112 tỷ đồng, chênh lệch hơn 34 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Hay như sáng 8/10, có 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú cũng được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2( tuỳ theo diện tích và vị trí).
Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng.
Có thể thấy, khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường nhà đất huyện Đông Anh liên tục ghi nhận những đợt “sốt” bởi thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng để đưa huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Trên thực tế, với việc được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay hàng loạt dự án lớn được TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, như: Công viên Kim Quy, Công viên phần mềm, Trung tâm Triển lãm quốc gia... đã tạo thời cơ "thổi giá" đất trong thời gian qua của "cò" đất.
Tuy nhiên, nằm trong xu hướng chung của thị trường, tính từ đầu quý II/2022 đến nay các giao dịch trên địa bàn huyện Đông Anh đã thưa vắng, ảm đạm hơn nhiều.
Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ hết kiên nhẫn đang tìm cách đẩy mạnh các kênh marketing để rao bán hàng nhằm thu hồi lại vốn, nhưng giá bán được đưa ra cũng không thấp hơn nhiều so với thời điểm đỉnh “sốt”, vì vậy rất ít giao dịch được thực hiện.
Lý giải về giá đất khu vực này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, có những khu vực khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc um tùm, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản.
Chuyên gia cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua bán đất đai ở những vùng đang có công bố quy hoạch, bởi vì quy hoạch công bố nhưng vẫn có thể có sự chỉnh sửa để phù hợp. Nếu cứ mua bán lòng vòng làm tăng giá đất rất có khả năng nhà đầu tư gặp phải rủi ro khi mua trúng đất quy hoạch công viên, cây xanh. Theo đồ án quy hoạch ven sông Hồng, tỷ lệ cây xanh chiếm trên 30%.
Theo Hồng Hương (Arttimes)