Tháng 7 là khoảng thời gian các cửa hàng chuyên cung cấp hải sản ở Hà Nội bắt đầu rao bán bào ngư viền xanh khá rầm rộ, với đủ mức giá khác nhau.
"Tại Úc, bào ngư được thu hoạch vào tháng 6, sau khi được bảo quản, vận chuyển thì chúng thường được bán nhiều ở Việt Nam vào thời gian này.
Trong số các loại thì bào ngư viền xanh là đắt nhất. Chúng có các size từ kích cỡ đại trên 325gr/con tới cỡ nhỏ dưới 100gr/con. Tùy vào đó, giá bán của bào ngư sẽ được định đoạt từ 4-7 triệu đồng/kg", chị Minh Thanh (một người chuyên cung cấp hải sản nhập khẩu ở Hà Nội) cho hay.
Theo tiểu thương này, hầu hết bào ngư xanh trên thị trường được nhập khẩu từ Úc, chúng được đựng trong các túi hút chân không, đông lạnh. Để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, độ tươi ngon của thực phẩm, ngay khi vừa đánh bắt lên bờ, bào ngư xanh được cấp đông tức thì bằng công nghệ cấp đông nhanh từng cá thể.
"Ngoài hương vị thơm ngon, đa phần khách tìm mua loại bào ngư này vì chứa nhiều dinh dưỡng như đạm, Glucose, chất béo và nhiều loại vitamin... để tẩm bổ cho trẻ nhỏ hoặc người bệnh", chị Thanh nói.
Kinh doanh hải sản lâu năm, chị Hoài (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết thêm, hầu hết bào ngư viền xanh bán trên thị trường đều là hàng đông lạnh. Ngoài bán theo kg, một số cửa hàng bán bào ngư đã tách vỏ theo con, tùy theo trọng lượng, mà chúng có giá từ 800.000 đồng/con. Mặc dù giá bán không hề rẻ, song bào ngư xanh vẫn là một trong những sản phẩm bán chạy nhất tại cửa hàng của chị Hoài.
Nói thêm về mặt hàng này, chị Hoài tiết lộ, thị trường có một số ít bào ngư tươi. Chúng đều là hàng xách tay từ Úc, tuy nhiên, mức giá không hề rẻ, và đối tượng khách hàng chủ yếu là những người giàu có, khá giả.
"Tùy vào công vận chuyển, mỗi kg bào ngư tươi có thể được bán với giá 9 triệu đồng. So với hàng đông lạnh, thì bào ngư tươi được ưa chuộng hơn, song thời gian chờ đợi hàng về và số lượng rất giới hạn. Có lần cửa hàng chỉ dám nhận hai đơn đặt của khách, với hơn 5kg bào ngư vì việc vận chuyển không thuận lợi. Nếu bảo quản không cẩn thận, bảo ngư hỏng sẽ lỗ lớn", chị Hoài tâm sự.
Lý giải cho sự đắt đỏ của loại hải sản này, anh Huỳnh Anh (một tiểu thương chuyên kinh doanh bào ngư ở Hà Nội) tiết lộ, so với bào ngư viền đen, viền nâu, hay loại ROEI, bào ngư viền xanh khó đánh bắt hơn. Thợ lặn phải ra những vùng biển hải lưu mạnh, nguy hiểm. Người hành nghề đánh bắt phải có giấy phép và chỉ đánh bắt theo đúng số lượng được cho phép.
"Vì là hàng thuần tự nhiên, đánh bắt khó, số lượng hạn chế, cộng thêm những giá trị dinh dưỡng mà bào ngư xanh trở nên đắt đỏ bậc nhất. Tuy nhiên, khi mua khách hàng cần chọn cửa hàng nhập khẩu có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc rõ ràng của bào ngư, tránh tình trạng trà trộn, bán hàng kém chất lượng", người này đưa lời khuyên.
Bên cạnh đó, theo anh Huỳnh Anh, do nhiều đồn thổi bào ngư là thượng phẩm, có tác dụng chữa nhiều bệnh nan y nên loại thực phẩm này đội giá khá cao.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm chế biến các món ăn từ hải sản, chị Nguyễn Thị Lời (đầu bếp khách sạn ở Hà Nội) khẳng định, bào ngư là một loại thực phẩm quý, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo người đầu bếp, việc ồ ạt mua bào ngư tẩm bổ nhưng không tìm hiểu kỹ có thể có tác dụng ngược với việc chăm sóc sức khỏe.
"Không phải cứ nấu nhiều bào ngư là tốt, bởi trẻ nhỏ, người ốm hoặc người cao tuổi sẽ chỉ hấp thụ được một lượng nhất định dinh dưỡng từ món ăn. Ngoài ra, khi chế biến bào ngư đông lạnh, ví dụ như hầm hoặc nấu canh nên chú ý bỏ bào ngư vào nồi khi nước còn lạnh hay hơi nóng, để cạnh bào ngư không bị rơi ra hoặc làm giảm mất dinh dưỡng của thực phẩm", đầu bếp này cho hay.
Hiện nay, bên cạnh bào ngư viền xanh nhập khẩu Úc, thị trường khá đa dạng các loại bào ngư Hàn Quốc (giá 1,8 – 2 triệu đồng/kg), bào ngư đen New Zealand (5 triệu đồng/kg) bào ngư khô (giá 600.000 – 800.000 đồng/kg), hay bào ngư đóng hộp (giá 1,5 – 1,6 triệu đồng/hộp).
Loại bào ngư đắt nhất trên thị trường hiện nay là bào ngư cổ khiếu sấy khô của vùng biển Phú Quốc, giá từ 11 đến 15 triệu đồng/kg. Các loại bào ngư khô khác có giá vào khoảng 600 nghìn đồng/1 lạng, tương đương 6 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, với nhiều người, đây không phải là loại thực phẩm thường xuyên xuất hiện trong nhà bếp bởi chúng được liệt vào hàng cao cấp.
Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)