Bảo hiểm chỉ 75 triệu, người gửi tiền hết ham lãi suất cao!

29/10/2017 18:59:35

Gửi hàng trăm tỉ đồng cũng chỉ nhận được tối đa 75 triệu bảo hiểm như gửi 100 triệu "lỡ" chẳng may ngân hàng phá sản khiến nhiều người hoang mang.

Bảo hiểm chỉ 75 triệu, người gửi tiền hết ham lãi suất cao!
Người gửi tiền phải cân nhắc hơn khi quyết định chọn ngân hàng gửi tiền - Ảnh: TL

Anh Mạnh Thắng, sống ở quận 3, tỏ ra băn khoăn trước thông tin cho phép ngân hàng phá sản và mức đền bù tối đa cho mỗi cá nhân là 75 triệu đồng. 

Ban đầu, anh Thắng kể, cứ tưởng mỗi một tài khoản tiền gửi được đền bù tối đa 75 triệu đồng "thì có thể chia số tiền ra để gửi". 

Nhưng tìm hiểu anh Thắng mới thấy, đó là số tiền bảo hiểm cho mỗi cá nhân, nghĩa là dù có gửi 10 tài khoản, mỗi tài khoản 75 triệu đồng, thì trong trường hợp ngân hàng phá sản số tiền nhận được tối đa chỉ là 75 triệu. 

"Như vậy quá thiệt thòi cho người gửi tiền. Lẽ ra người gửi tiền phải được nhận lại số tiền ứng với số đã gửi chứ", anh Thắng nói.

Ở tuổi này tôi cũng không thể đầu tư vào kênh nào khác ngoài gửi tiết kiệm để lấy lãi. Nhưng với tình hình này thì phải chọn ngân hàng lớn chứ nếu không khó mà giữ được khoản tích cóp của mình

Bà Ngọc Khuê, một người về hưu ở TP.HCM

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Vi tính Liên Sơn ở TP.HCM, cho biết không chỉ doanh nghiệp mà cá nhân ông thường gửi tiết kiệm ngân hàng. 

Một khi quy định trên có hiệu lực, ông Linh nói rằng bản thân ông, và nhiều người khác, sẽ chọn gửi tại các ngân hàng lớn, có uy tín, thậm chí là những ngân hàng có "gốc" Nhà nước để gửi tiền "vì sẽ an toàn hơn".

"Nhưng như vậy thì sẽ gây sức ép lên các ngân hàng cổ phần, đặc biệt là ngân hàng nhỏ", ông Linh nói.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài Chính, Đại học Kinh Tế TP.HCM, cho rằng dù lãi suất có liên quan mật thiết đến "khẩu vị" rủi ro nhưng thời gian qua hầu hết người gửi tiền không quan tâm. 

Vị chuyên gia này cho rằng người gửi tiền thường chỉ quan tâm nơi nào có lãi suất cao nhất vì tin rằng ngân hàng không bao giờ phá sản và nếu ngân hàng có xảy ra sự cố thì Nhà nước sẽ giải cứu.

Vì thế, theo ông Bảo, để tránh được sự "ỷ lại" vào Nhà nước này khi thay đổi cách thức điều hành cũng cần có các chính sách kèm theo. 

"Chẳng hạn như như tăng hạn mức đền bù trong trường hợp xảy ra phá sản ngân hàng. Hoặc có chính sách cho mua bảo hiểm của bên thứ 3 để trong trường hợp xảy ra sự cố thì bên thứ 3 sẽ đứng ra đền bù cho người gửi tiền như bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm xe cộ hiện nay. Đây là điều nhiều nước đã từng áp dụng", ông Bảo đề xuất.

Thạc sĩ Đỗ Gioan Hảo, Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng, trước tiên cần xác định rõ việc gửi tiền tại ngân hàng là đầu tư hay tiết kiệm.

Nếu là khoản đầu tư thì đương nhiên là có rủi ro, lời ăn lỗ chịu, còn nếu huy động thì bên huy động phải cam kết bảo toàn số tiền họ gửi vào.

Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác việc gửi tiền là tiết kiệm hay đầu tư.

Trong trường hợp xác định đây là tiết kiệm thì khoản 75 triệu đồng thực ra chỉ mang tính chất hỗ trợ qua cơn bĩ cực, không phải khoản đền bù cho thiệt hại.

Trong khi nhắc đến bảo hiểm, từ trước đến nay người dân thường nghĩ đó là khoản bồi thường và ít nhất giá trị cũng phải tương đương số tiền gửi ở ngân hàng.

Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật