Bão giá nguyên vật liệu: '5 năm nữa sợ không còn công ty xây dựng Việt Nam'

30/04/2021 13:59:33

Hiện nay nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình thì ra toà bị phạt...

Bão giá nguyên vật liệu: '5 năm nữa sợ không còn công ty xây dựng Việt Nam'

Giá thép tăng phi mã suốt từ cuối năm 2020 đến nay, dự kiến đà tăng còn kéo dài đến cuối quý 3/2021 bất chấp trước đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này.

Mới đây nhất, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tiếp tục có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân giá thép tăng đột biến, bằng không các nhà thầu sẽ rơi vào tình trạng phá sản.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết sau khi gửi đi văn bản ngày 19/4, đến nay vẫn chưa thấy có động thái nào của cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra giá thép vì sao lại tăng.

Ông có thể nói rõ giá thép tăng tác động thế nào đến ngành xây dựng?

Trước hết phải nói về cơ cấu giá trị thép trong một công trình xây dựng. Thông thường, giá thép chiếm trong công trình xây dựng khoảng 20% giá trị nên giá thép tăng lên 40-45% thì giá thành xây dựng tăng cao lên. Chưa kể không chỉ thép mà cả kể giá các nguyên vật liệu khác như xi măng, gạch xây, gạch ốp… cũng tăng nhưng tốc độ không chóng mặt như thép.

Thép là nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng dẫn đến cả ngành xây dựng khốn đốn. Nhà thầu xây dựng vô cùng gay go, với tốc độ giá thép tăng thế này các nhà thầu phá sản đóng cửa hết.

Có hai vấn đề chính với doanh nghiệp ngành xây dựng. Thứ nhất, với công trình sử dụng vốn đầu tư ngân sách, khi các nhà thầu chưa có quyết định cân đối bù giá, điều chỉnh tổng mức đầu tư thì họ sẽ từ từ dừng lại, không dám làm.

Họ mua thép giá 18.000 - 19.000 đồng/kg nhưng chỉ được thanh toán đơn giá 13.000 đồng/kg thì 5.000 đồng còn lại ai bù? Lấy đâu ra để bù vào? Không làm thì đói nhưng làm thì phá sản nên các nhà thầu chững lại hết. Các công trình vốn đầu tư ngân sách sẽ bị đình trệ, vỡ trận nếu không có quyết định bù giá.

Thứ hai là công trình đầu tư nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội. Hợp đồng này được ký theo loại hình hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định thanh toán dựa theo khối lượng thực tế khi kiểm tra đơn giá thép, xi măng…

Thông thường các nhà thầu sẽ đàm phán giá và mua trước từ nhà cung cấp thép. Ví dụ, một nhà thầu xây dựng mua thép trả tiền trước 6 tháng thống nhất một giá cố định, sẽ cầm cố được trong vòng 6 tháng không lo bị tác động thị trường.

Nhưng không phải ai cũng có tiền ứng trước để mua. Có công trình làm đâu thanh toán đó, nhà thầu mua theo kiểu ăn đong, ký hợp đồng phải chấp nhận trôi nổi, đơn giá thực tế so với trong hợp đồng du di 3-5% thì chịu được nhưng lên 40% - 45% thì phá sản.

Mà lãi suất một công trình làm từ đầu đến cuối nhiều thì nhà thầu được 5% còn không chỉ được 3% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng.

Nhưng có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp xây dựng đã kinh doanh thì phải chịu biến động của thị trường?

Đúng là các doanh nghiệp đã kinh doanh thì phải chịu biến động của thị trường, chấp nhận giá cả lên xuống nhưng hiện nay biến động của giá thép đột biến lên đến 40%, hôm qua lại lên thêm 300/kg nữa, như vậy tăng giá trên 45%.

Lượng thép trên thị trường không thiếu, không phải giá tăng do nguồn cung thiếu hụt. Thực tế thì mua bao nhiêu thép cũng đủ nhưng giá lại tăng.

Có ý kiến cho rằng giá thép tăng do giá nhập phôi tăng, quan hệ giữa các nhà cung cấp gồm Trung Quốc và Australia có trục trặc dẫn đến lượng phôi bán cho Việt Nam thay đổi.

Nhưng lượng thép trên thị trường không thiếu, không phải giá tăng do nguồn cung thiếu hụt. Thực tế thì mua bao nhiêu thép cũng đủ nhưng giá lại tăng.

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ kiểm tra làm rõ nguyên nhân vì sao giá thép tăng đột biến như vậy trong khi giá điện không tăng, giá các chi phí sản xuất đầu vào không tăng thì tại sao giá thép lại lên?

Nếu nguyên nhân chủ quan thì hạn chế lại, nguyên nhân khách quan tìm cách tháo gỡ để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy có động thái nào của cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu được xem xét thì theo ông Nhà nước nên có biện pháp cụ thể nào để giảm thiệt hại cho nhà thầu?

Đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp, thì nhà nước sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường. Cập nhật đơn giá của các Sở xây dựng thanh toán cho nhà thầu hiện đã bị lạc hậu.

Cụ thể hơn thì Bộ Xây dựng có ý kiến với Sở Xây dựng cập nhật lại đơn giá thanh toán. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư khẩn trương xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư thì các dự án vốn ngân sách mới “sống” được.

Bên cạnh đó, cũng phải có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu. Ở góc độ Luật pháp thì chủ đầu tư họ không sai, không thể bắt buộc nhưng vì trách nhiệm xã hội chung, trách nhiệm cộng đồng, các nhà đầu tư có thể san sẻ hỗ trợ nhà thầu trong lúc này.

Nếu không công ty xây dựng buộc phải dừng thi công vì làm càng lỗ, dự án đình trệ, tranh chấp lại kéo nhau ra toà.

Hiện nay nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình thì ra toà bị phạt. Muôn sự đổ đầu thầu. Nhà thầu vô cùng khó khăn.

Các doanh nghiệp xây dựng đều dùng từ khẩn thiết kêu cứu cơ quan nhà nước xem xét giải quyết cho hợp tình hợp lý.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

10 năm qua, ngành xây dựng trong nước phấn đấu và có những bước tiến phát triển vượt bậc. Trước kia so với nhà thầu Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, mình chỉ đi làm thầu phụ nhân công còn giờ trình độ ngang ngửa Hàn, Singapore chứ đừng nói đến Malaysia hay Myanmar.

Nhưng nếu không có cơ chế phù hợp thì tương lai có khi 5 năm nữa không còn công ty xây dựng Việt Nam. Vì với cơ chế này làm xây dựng chỉ có lỗ, có chết.

Giá cả bỏ thầu cạnh tranh kịch liệt, doanh nghiệp không có dư địa phát triển. Đất nước quay lại thời kỳ không còn công ty Việt Nam xây dựng mà phải thuê Nhật Bản, Hàn Quốc hết thì giá thành sẽ ra sao?

Có vẻ như tăng giá thép không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp ngành xây dựng mà của cả nền kinh tế?

Đúng thế. Đứng ở góc độ chung của nền kinh tế tôi thấy lo ngại vì tăng giá vật liệu xây dựng nguy hiểm, tác động chung lên cả nền kinh tế. Giá vật liệu xây dựng tăng dẫn theo một loạt thứ tăng giá như thành sản phẩm bất động sản tăng theo, chỉ số lạm phát CPI không nằm trong ngưỡng an toàn. Mức giá lạm phát cao đẩy theo nhiều nguy cơ khác.

Ngoài chỉ số lạm phát, còn ảnh hưởng tăng trưởng GDP, chúng ta đang phấn đấu tăng trưởng GDP 7% trong đó riêng ngành xây dựng đã đóng góp 8-10% vào tăng trưởng. Không có chỗ nào không có bàn tay xây dựng, có xây dựng thì mới tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế, chuyên gia kinh tế cũng nên xác định đây là vấn đề chung của quốc gia chứ không riêng gì ngành xây dựng. Cần quan tâm đến mức độ này nhiều hơn nữa.

Cần nhìn bức tranh tổng thể hơn, xa hơn, nếu kinh tế muốn phát triển thì ngành xây dựng phải là lực lượng đủ mạnh, biện pháp của nhà nước hỗ trợ cho ngành xây dựng là cho cả tương lai, cho cả kinh tế Việt Nam chứ không riêng gì cho ngành xây dựng. Nhà nước cần có biện pháp bảo vệ nhà thầu xây dựng.

Theo Kiều Linh (VnEconomy.vn)