Chênh 10-18 triệu đồng/lượng
Trong những ngày thị trường vàng trong nước sôi sục với 2 lần lập kỷ lục giá mới kể từ cuối tháng 11 tới nay, mức chênh giá vàng miếng SJC có lúc lên rất cao, tới 13 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi.
Trước đó, mức chênh thường thấy trong nhiều năm qua khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đây chưa phải mức chênh kỷ lục giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới. Vào thời điểm tháng 3/2023, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 17 triệu đồng/lượng. Có những khoảng thời gian ngắn, vàng miếng SJC trong nước cao hơn so với giá vàng thế giới tại cùng thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng hoặc nhẫn các thương hiệu khác chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi một chút. Có lúc ngang bằng với giá thế giới sau khi cộng thuế và phí.
Mức chênh tới 15-25% so với giá thế giới khiến giá vàng miếng SJC nằm ở mức cao hàng đầu trên thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mua vàng thương hiệu quốc gia để tích trữ hoặc cho một mục đích nào khác phải chịu chi phí đắt đỏ, có thể rủi ro hơn người dân các nước khác.
Sáng 4/12, giá vàng thế giới có lúc vọt lên 2.150 USD/ounce, tương đương mức quy đổi là 64 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng thế giới nhanh chóng điều chỉnh giảm khiến vàng SJC mở cửa với với mức giá 74,4 triệu đồng/lượng, nhưng cũng đạt mức kỷ lục lịch sử.
Mặc dù là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và thương hiệu vàng này có giá bán cao hơn nhiều so với các thương hiệu khác, song ông lớn vàng Nhà nước này có kết quả kinh doanh không ấn tượng.
SJC lợi nhuận mỏng
Trên thị trường, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được biết đến phổ biến tại Việt Nam gồm: Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Doji, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Phú Quý…
Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng khá phân mảnh với phần lớn thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng truyền thống. Các doanh nghiệp lớn có hệ thống cửa hàng trải khắp cả nước như PNJ, Doji, SJC… đang gia tăng thị phần. Ước tính các doanh nghiệp lớn này chỉ nắm khoảng 30% thị phần.
Về thị phần, trong các năm trước, SJC đứng đầu về doanh thu. Tuy nhiên, gần đây, vị trí số 1 đã thuộc về PNJ.
Về lợi nhuận, từ lâu PNJ đã chiếm vị trí số 1. Cụ thể, từ năm 2018, lợi nhuận của PNJ đã đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của Doji và SJC cộng lại. Lợi nhuận Doji (công ty mẹ) và SJC chỉ vài chục tỷ đồng.
Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). Nhưng, doanh nghiệp vàng Nhà nước này chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn gần 48,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.811 tỷ đồng, đến từ tổng doanh thu hơn 32.211 tỷ đồng.
SJC chưa có báo cáo 6 và 9 tháng đầu năm 2023, còn PNJ báo lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2023 là gần 1.340 tỷ đồng. Doanh thu là 23.617 tỷ đồng.
Trong năm 2021 khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, SJC đạt mức doanh thu 17.689 tỷ đồng. Lợi nhuận là gần 43,3 tỷ đồng. Còn với PNJ, trong năm 2021 doanh nghiệp này có doanh thu 19.735 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.029 tỷ đồng.
Trong các năm trước đó, SJC cũng đạt mức lợi nhuận khiêm tốn. Trong năm 2020, SJC thu về hơn 55,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, từ hơn 23.491 tỷ đồng doanh thu. Trong năm 2019, lợi nhuận là gần 52,5 tỷ đồng, doanh thu 18.610 tỷ đồng. Con số tương ứng năm 2018 là 27,8 tỷ đồng và 20.871 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, lợi nhuận của ông lớn Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ổn định ở mức thấp, vài chục tỷ đồng/năm. Trong khi đó, doanh thu đứng top 1 hoặc top 2 trên thị trường, vài năm gần đây chỉ đứng sau ông lớn PNJ, chuyên về mảng vàng trang sức.
Ông lớn Doji ghi nhận lợi nhuận thất thường, nhưng trong năm 2022 lãi khủng 1.017 tỷ đồng. Doanh thu của tập đoàn này ở mức cao nhưng bao gồm nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, đầu tư, thương mại và dịch vụ.
Trong một đánh giá gần đây, chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường vàng trong nước đang mất cân bằng so với thế giới. Giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc nhập lậu vàng.
Hồi giữa năm, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhập lậu 3 tấn vàng liên quan tới Chủ tịch CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý.
Về các chính sách đối với thị trường vàng, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trước kia những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước đã giúp kiểm soát được tình trạng vàng hóa. Tuy nhiên, hiện các chính sách này không còn phù hợp. Giá vàng chênh quá cao so với thế giới gây ra sự mất cân bằng và khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt thị trường vàng trang sức, và người dân thiệt khi phải mua giá vàng cao.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)